Hát Quốc ca
Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong trường học như: duy trì hát Quốc ca; tập thể dục đầu giờ, giữa giờ...
Trước đó, năm 2014, Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GD-ĐT. Chỉ thị nêu rõ: Tại lễ chào cờ Tổ quốc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên hát Quốc ca”. Đồng thời, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tổ chức cho học sinh, sinh viên tập hát Quốc ca, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời.
Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam. Ở các cấp học từ cơ sở đến trung học phổ thông, việc tổ chức chào cờ và hát Quốc ca được duy trì thường xuyên trang trọng. Khi cất lên lời ca, các em sẽ tưởng nhớ và biết ơn tới những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng hiểu và làm đúng nghi thức trang trọng của buổi lễ này. Thời gian trước đây, một số trường, cơ sở giáo dục không tổ chức hát Quốc ca mà chỉ cho nghe bài hát Quốc ca từ băng, đĩa; một số trường chỉ cử một lớp hát đại diện, các lớp khác đứng trang nghiêm làm lễ nhưng không hát... Cách làm này đã làm giảm đi phần nào tính trang nghiêm và ý nghĩa của buổi lễ chào cờ, thậm chí lâu dần học sinh quên mất lời bài hát.
Sở dĩ có tình trạng này, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, là do một số trường chưa coi trọng việc này. Việc học sinh chào cờ, hát Quốc ca là một yêu cầu tối thiểu trong nhà trường và cần phải được duy trì nề nếp. Để làm được điều này, bên cạnh việc nhắc nhở các em tự giác thì bản thân các thầy cô giáo phải làm gương. Các trường tăng cường lồng ghép tuyên truyền, đưa bài hát Quốc ca vào các giờ dạy âm nhạc, môn Giáo dục công dân và giờ sinh hoạt giữa các chi đội để làm sao cho học sinh hiểu được ý nghĩa của việc chào cờ và hát Quốc ca. Khi đó việc hát Quốc ca trong giờ chào cờ không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người.
Theo các chuyên gia giáo dục, lòng yêu nước được rèn luyện từ nhiều thứ nhưng có một điều tối thiểu mà mọi người đều phải làm là việc thuộc và hát Quốc ca trong những buổi lễ chào cờ. Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca là một tình cảm thân thuộc đối với mỗi con người, ở bất cứ quốc gia nào. Và phải hát Quốc ca bằng lời, bằng tình cảm bừng lên tận đáy lòng, từ sâu thẳm trái tim nồng nàn của mỗi con người thì mới cảm nhận hết được cái âm hưởng hùng tráng của một ca khúc hết sức thiêng liêng.