Ông Tuấn “tổng” tuổi Tuất...
Đại hội VFF khóa 8 dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 3/2018; và trong thời gian qua, nhân vật được công luận nhắc đến nhiều nhất là ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch thường trực, người được cho là có thực quyền số 1 tại VFF trong suốt nhiệm kỳ 7. Thực hư câu chuyện về nhân vật này ra sao?
Ông Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đón tiếp Chủ tịch FIFA Infantino thăm Việt Nam.
Từ một nhân vật tiêu biểu cho “làn sóng trẻ” ở VFF
Trần Quốc Tuấn là dân thể thao gốc. Cha của Tuấn, ông Trần Vĩnh Lộc (biệt danh “Chín Lộc”), sinh thời thuộc nhóm các lãnh đạo thể thao địa phương nổi tiếng giai đoạn từ những năm 70-90 của thế kỷ trước. Dưới sự lãnh đạo của ông Chín Lộc, bóng đá Phú Khánh, sau là Khánh Hòa đã vươn lên, nhiều năm thi đấu tại giải vô địch quốc gia nhờ có một hệ thống đào tạo trẻ quy củ. Không những thế, Khánh Hòa còn là một trong những trung tâm hàng đầu cả nước ở môn điền kinh. Nhưng con đường “đi lên” của ông không tựa nhiều vào danh tiếng của cha.
Trở về nước sau khi được cấp bằng tiến sĩ khoa học TDTT tại Nga khi mới 28 tuổi (1998), chỉ một thời gian ngắn sau, Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện khoa học TDTT rồi được VFF mời tham gia làm giám sát trận đấu trong hệ thống giải bóng đá Vô địch quốc gia ngay trong những năm đầu chuyên nghiệp hóa (từ năm 2000).
Tại Đại hội VFF khóa 5, Trần Quốc Tuấn bất ngờ “qua mặt” một ứng cử viên cũng rất “nặng ký” khác cho chức danh Tổng thư ký là ông Phan Anh Tú (quyền Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ 4 từ tháng 1/2005 sau khi ông Phạm Ngọc Viễn từ chức), rồi trở thành vị Tổng thư ký trẻ nhất trong lịch sử VFF (khi mới 35 tuổi). Đấy cũng là kỳ Đại hội đánh dấu sự vươn lên của một “làn sóng trẻ” tuổi 7x tại tổ chức này với nhiều cán bộ năng lực như Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF từ khóa 7 sau một thời gian dài làm Chánh văn phòng), Nguyễn Minh Châu (Phó TTK VFF phụ trách tài chính – tài trợ) hay Nguyễn Minh Ngọc (hiện là Phó Tổng giám đốc công ty VPF, trưởng BTC V-League)...
Trẻ trung và quyết đoán, thông minh và khéo léo, cầu tiến và cầu thị, tân Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn đã rất mau chóng kế thừa nền móng mà PGS.TS Phạm Ngọc Viễn – người từng có hơn 7 năm làm Tổng thư ký VFF qua các nhiệm kỳ 3 và 4 (từ 1997-2005) để lại. Đấy là mối quan hệ với các Liên đoàn bóng đá quốc gia và quốc tế (đặc biệt là LĐBĐ châu Á – AFC và LĐBĐ Đông Nam Á – AFF) thông qua các đầu mối cụ thể. Sau khi dốc sức tự trau dồi vốn liếng ngoại ngữ (rèn luyện thêm tiếng Anh, bên cạnh khả năng giao tiếp tiếng Nga) để vừa thắt chặt quan hệ với các đối tác cũ, vừa chủ động mở rộng và “kết thân” với các đối tác mới. Nhiều lãnh đạo các LĐBĐ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Indonesia thậm chí còn coi Tuấn như người bạn thân thiết. Cũng nhờ vậy, anh – với vai trò đại diện của VFF – đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại diện LĐBĐ tại khu vực và châu lục trong các cuộc làm việc, đàm phán hoặc kêu gọi sự hỗ trợ đối với bóng đá Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tuấn.
Tới những đóng góp trên lĩnh vực ngoại giao
Nếu như dưới thời TTK Phạm Ngọc Viễn, VFF đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ của LĐBĐ thế giới (FIFA) với các dự án, chương trình như GOAL (chương trình mục tiêu), FAP (chương trình hỗ trợ tài chính) hay LĐBĐ châu Á (AFC) với chương trình “tầm nhìn châu Á”, thì tới thời TTK Trần Quốc Tuấn, VFF đã tiếp tục được hỗ trợ nhiều hơn, với những khoản kinh phí lớn hơn. Nhờ năng lực chuyên môn sắc sảo và tư duy nhạy bén, ông Tuấn “tổng” (biệt danh vui được báo giới đặt cho ông để phân biệt với nhiều nhân vật thể thao nổi tiếng khác cùng tên) còn từng bước tạo dấu ấn riêng trong các cuộc họp chuyên môn của AFC và AFF...
Một điều đáng chú ý nữa là Tuấn “tổng” đã tận dụng triệt để quan hệ thân tình với lãnh đạo các Liên đoàn bóng đá quốc gia, đặc biệt là các nền bóng đá lớn ở châu Á để tạo điều kiện đưa các đội tuyển bóng đá quốc gia của VN sang tập huấn với kinh phí ưu đãi, thậm chí có chuyến gần như... miễn phí! Trong bối cảnh nguồn lực tài chính dành cho các đội tuyển rất hạn hẹp thì đấy quả là một cách làm sáng tạo và hữu hiệu; qua đó các đội tuyển có điều kiện tập huấn, chuẩn bị tốt nhất có thể trước mỗi giải đấu quốc tế.
Sau “một nhiệm kỳ rưỡi” (từ 2005 – 12/2011) làm Tổng thư ký, trước áp lực dư luận quá nặng nề sau thất bại của ĐT U-23 tại SEA Games 26 (năm 2011 ở Indonesia), Trần Quốc Tuấn đã từ chức dù Ban chấp hành khóa 6 (2009-2014) bỏ phiếu tín nhiệm giữ lại tỷ lệ 100%, được Tổng cục TDTT rút về làm Vụ trưởng đặc trách môn bóng đá. Trong thời gian ấy, anh vẫn tiếp tục chức trách đại diện bóng đá VN khi tham gia các kỳ họp của FIFA (LĐBĐ thế giới), AFC (LĐBĐ châu Á) và AFF (LĐBĐ Đông Nam Á).
Sau 2 năm khá “lặng tiếng”, tại Đại hội VFF khóa 7 năm 2014, ông Tuấn “tổng” đã trở lại với chức trách mới: Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn trước khi được chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phân công đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch thường trực. Sau này, người ta mới biết lý do của sự phân công này, bởi tình hình sức khỏe của ông Dũng không tốt (phải tập trung điều trị ung thư), trong khi trong 3 Phó chủ tịch của VFF, chỉ có Trần Quốc Tuấn là phù hợp nhất với việc thay mặt chủ tịch trong nhiều sự vụ liên quan. Ông Xuân Gụ nguyên là nhà báo, phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân được giao phụ trách công tác truyền thông, còn ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – được phân công phụ trách tài chính.
Tại nhiệm kỳ 7 của VFF, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn đã tiếp tục phát huy các mối quan hệ của mình để nếu không tạo được “lợi thế” thì ít ra cũng giúp BĐVN không bị thua thiệt trên “mặt trận ngoại giao”. Và trên thực tế, BĐVN đã được hưởng lợi khá nhiều khi liên tục được giao đăng cai nhiều giải đấu ở cấp độ châu lục và khu vực; VFF cũng nhiều năm được trao tặng các giải thưởng của AFC và AFF; nhiều cán bộ của Liên đoàn được mời tham gia các Ban chuyên môn của các tổ chức này...
Không những thế, chính công tác ngoại giao đã giúp các đội tuyển BĐVN từ bóng đá ngoài trời tới bóng đá trong nhà (Futsal), từ bóng đá nam tới bóng đá nữ, từ đội tuyển trẻ lớn tới các đội “U” nhỏ... có điều kiện tập huấn, chuẩn bị gần như tối ưu trong nhiều “chiến dịch” thi đấu quốc tế. Cũng nhờ vậy, liên tiếp các năm từ 2016-2018, bóng đá VN đã gặt hái được những thành tích ấn tượng: Đội tuyển U-19 giành vé dự World Cup U-20, đội tuyển Futsal cũng giành vé dự World Cup, tuyển nữ giành lại ngôi vô địch SEA Games; và mới đây nhất là chiến công lịch sử của đội tuyển U-23 trở thành Á quân của VCK châu Á!
Những đóng góp ấy thật sự thầm lặng, rất ít người biết, đơn giản vì Tuấn thuộc mẫu người “nói là làm” và “ưa làm hơn nói”!
Ông Trần Quốc Tuấn Với HLV Hữu Thắng và cầu thủ Công Vinh.
Bình thản trước dư luận ngược chiều...
Sau mỗi chiến công của các đội tuyển, người ta thường hay nhắc tới những cầu thủ (đặc biệt là các ngôi sao hàng đầu), HLV, hoặc đội ngũ trợ lý, y bác sĩ của các đội tuyển chứ ít ai đề cập tới nguyên nhân đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hay từ công tác ngoại giao của Liên đoàn. Còn sau mỗi thất bại, như của đội tuyển và đội U-23 nam tại các kỳ AFF Cup hay SEA Games, thì “tội trạng” đầu tiên luôn được dư luận hướng tới hàng ngũ lãnh đạo Liên đoàn.
Về chuyện này, và “ông Tổng tuổi Tuất” chỉ cười: “Chuyện bình thường ấy mà, việc mình cũng giống như làm dâu trăm họ thôi”. Không thể chiều lòng được tất cả mọi người, cũng không thể mong mỏi “đồng đội” luôn cùng nhìn một hướng. Thậm chí có cả những người từng chịu ơn mình cũng có thể một ngày nào đó quay lưng chống đối khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng...
“Nhân vô thập toàn”, ai cũng đều có nhược điểm. Người cá tính mạnh như Tuấn thể nào chẳng có một số người không ưa, thậm chí ganh ghét. Vả chăng với vị trí công việc tới các mối quan hệ nhằng nhịt như vậy cũng khó tránh được ít nhiều điều tiếng thị phi.
Chủ tịch VFF khóa 7 – doanh nhân Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn từng bị kiện “nhận hối lộ” trong vụ việc của ông Nguyễn Văn Chương – nguyên Giám đốc Trung tâm bóng đá trẻ - bị cho thôi chức. Nhưng công an đã vào cuộc điều tra, và kết luận không có cơ sở hay chứng cứ nào để buộc tội. Dư luận về việc ông Tuấn đang giữ tới 14 chức danh khác nhau ở các tổ chức bóng đá từ trong nước tới quốc tế cũng đã được làm rõ là dựng chuyện, cố tình nhập nhèm và trộn lẫn khái niệm chức danh cũ và mới để bôi nhọ thanh danh cá nhân...
Bài viết này chỉ nhằm đề cập tới “những điều trông thấy” về một người có nhiều đóng góp và ảnh hưởng tới bóng đá nước nhà, với mong muốn sẽ có sự đánh giá khách quan từ công luận trước thềm Đại hội VFF khóa 8, hoàn toàn không để tô hồng đối với cá nhân ông Trần Quốc Tuấn!