Nhân lên điều tử tế
Những ngày này, câu chuyện lay động trái tim là việc bé Hải An ở thôn Tân Mỹ, Nam Từ Liêm, Hà Nội hiến tạng khi mới tròn 7 tuổi. Bé trút hơi thở cuối vào chiều ngày 22/2 khi mới bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng do mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Biết khó qua khỏi, trước khi ra đi, em và gia đình quyết định hiến mô tạng. Với tuổi của mình, em chỉ có thể hiến được giác mạc và các bác sĩ nói rằng, sẽ giúp ít nhất 2 bệnh nhân mù loà có thể nhìn thấy ánh sáng nhờ nghĩa cử của em và gia đình.
Một ca ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Thúy Anh.
Nhận xét về hành động của bé Hải An, nhiều người xúc động viết “mẹ và bé là những thiên thần trong đời thường”, bởi quy luật của tự nhiên là vô tình, nghiệt ngã. Căn bệnh ung thư bé An gặp phải là vô phương cứu chữa. Không có phép mầu mà chỉ có cái giống như phép mầu, đó là tình người. Cái tình mà mẹ con bé An cho đi đó là đem lại nguồn sống cho ít nhất 2 người khi nhận được giác mạc của em. Giác mạc của Hải An đã được ghép thành công cho 2 người, giúp họ thoát khỏi cảnh mù lòa.
Cho đi một phần cơ thể để cứu người khi mình không còn ở dương gian nữa là việc làm cao đẹp, rất cần nhân lên những trái tim nhân ái trong xã hội nhưng không phải điều này ai cũng làm được. Theo quan niệm xưa cũ của người Á Đông, trong đó có Việt Nam, chết phải toàn thây, đó là rào cản khiến nhiều người e ngại hiến tặng một bộ phận cơ thể người thân đã qua đời (hoặc chính mình) cho người khác.
Vì sao người ta không muốn cho một phần cơ thể? Nếu lý giải rằng do yếu tố tâm linh thì cũng không đúng. Vì hầu hết tôn giáo đều ủng hộ việc hiến - ghép mô, tạng người để cứu sống những người khác khi mình qua đời. Nhưng rào cản lớn nhất chính là thuộc tính sở hữu, sự ích kỷ ở trong mỗi người. Họ không muốn cho đi cái thuộc về mình đã ăn sâu vào mỗi con người khiến nhiều người không được cứu sống và ngành ghép tạng gặp khó.
Hiện ngành ghép tạng Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép, GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn- phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết. Ông Sơn chia sẻ, nhiều bệnh nhân ung thư, hoặc mắc các bệnh như suy thận… sẽ được cứu sống nếu có tạng thay thế. Nhưng rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng thuộc về những định kiến, quan niệm xã hội. Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu những áp lực từ bạn bè, họ hàng. Thậm chí, di nguyện của người đã mất cũng không thực hiện được chỉ vì những người thân của họ không muốn cho đi một phần cơ thể của họ khi người ấy đã qua đời.
Phải nói “không” với quan niệm xưa cũ, nhân lên những điều tử tế trong xã hội. Nhờ sự tuyên truyền tích cực, hiện đã có hơn 10.500 người xin đăng ký hiến tạng. Điều này cho thấy người dân đã có sự thay đổi quan niệm trong việc hiến tạng. Tuy nhiên, thực tế có trên 10 người thực hiện hiến tạng - một con số quá ít so với nhu cầu thực tế hiện nay. Trong khi đó, theo thống kê hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn chờ ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300 ngàn người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc cùng hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Cần lắm những tấm lòng như của bé Hải An.
Trong lời tri ân gửi đến bé cùng gia đình bé Hải An, người đứng đầu ngành Y tế - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến viết: "Tôi đã vô cùng xúc động khi được biết Hải An bé nhỏ đã trò chuyện về việc hiến mô tạng cùng mẹ của mình khi con đang vật lộn với đau đớn trên giường bệnh. Con đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật...Tôi tin rằng, ở một nơi nào đó, con đang thấy hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt và mang lại vô vàn thương yêu cho cuộc sống! Con gái nhỏ Hải An sẽ mãi hiện diện trong tim của cha mẹ con, ông bà con; trong tim của tôi và tất cả mọi người!"
Làm điều tốt đẹp sẽ là người hạnh phúc. Hành động của Hải An không chỉ giúp 2 người có ánh sáng. Lòng tốt của con sẽ giúp nhiều người hơn nữa. Vì bé là thiên thần để mọi người sẽ học theo bé. Ông Nguyễn Hoàng Phúc- phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, sau nhiều năm hoạt động, lần đầu tiên, số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng tại trung tâm lại đông tới mức như thế. Cháu bé Hải An thật sự là một thiên sứ để lại thông điệp đầy nhân văn về câu chuyện cho đi là còn mãi mãi. Chỉ trong gần 4 ngày tính từ sáng 25/2 đến sáng ngày 1/3, đã có 159 người đăng ký hiến tặng mô, tạng thông qua tất cả các hình thức như qua website, email, hotline và đăng ký trực tiếp tại Trung tâm dù trước đây, ngày đông nhất cũng chỉ có một vài người đăng ký hiến tạng. Chính hành động nhân văn của "thiên thần Hải An" hiến tặng giác mạc để trao ánh sáng cho những người khác là động lực lớn hối thúc nhiều người đến đăng ký hiến tạng trong những ngày qua và sẽ vẫn còn tiếp diễn hành động cao cả ấy.