Thuế và sự công bằng
Lỗ 1.000 tỷ đồng trong 3 năm kinh doanh, bản thân doanh nghiệp chi quá nhiều tiền cho quảng cáo chưa kể trên thị trường hiện đang xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh tương tự như Uber, Grab. Cuộc chiến taxi công nghệ - taxi truyền thống chỉ là một ví dụ trong môi trường kinh doanh và việc đảm bảo công bằng thuế là vấn đề đang được đặt ra.
Grab và Uber vẫn đang trong sự cạnh tranh quyết liệt với taxi truyền thống.
Vẫn hai chiến tuyến
Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần mở rộng cơ sở nộp thuế, tăng cường thu thuế với các loại hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, các loại hình mới như Uber, Grab… Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành thuế còn chậm trong nghiên cứu đề xuất chính sách để thu thuế với các loại hình kinh doanh mới.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, loại hình kinh doanh vận tải công nghệ trong đó có 2 doanh nghiệp (DN) điển hình là Uber, Grab và taxi truyền thống vẫn ở hai chiến tuyến. Trong khi taxi truyền thống tiếp tục than khó, ít người đi, không thể cạnh tranh nổi thì taxi công nghệ vẫn là ưu tiên lựa chọn của nhiều khách hàng hiện nay. Hiện Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước.
Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh từng đưa ra quan điểm, 2 năm qua thực hiện chương trình thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab đã khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể phá sản. Theo Luật Cạnh tranh, một DN khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. Và chính Hiệp hội này cũng đã đặt câu hỏi: Hiện tại Uber và Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam, liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền?
Uber, hay Grab thực ra cũng chỉ là những mô hình kinh doanh mới thời công nghệ và ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải đã giúp cho nhiều người dân tiết kiệm chi phí đi lại. Nhưng cũng từ đây đã mở ra câu chuyện: Làm sao để cho các DN kinh doanh kiểu mới và kinh doanh truyền thống cạnh tranh một cách sòng phẳng hơn với nhau?
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải với Thủ tướng tại văn bản ngày 29/12/2017 về tổng kết 2 năm thực hiện kết nối vận tải qua công nghệ thì có 4/5 địa phương gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh có đến 10 đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ để thực hiện thí điểm theo Quy định 24 của Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy ngoài Uber và Grab, còn có những đơn vị khác kinh doanh vận tải theo loại hình công nghệ tương tự như vậy và được áp dụng thí điểm.
Một câu hỏi nữa cũng đã được đưa ra: Đã có sự công bằng chính sách thuế giữa các loại hình taxi, khi tổng doanh thu của Grab trong ba năm (2014-2016) là 1.755 tỉ đồng nhưng phần thuế đóng cho ngân sách nhà nước chưa được 10 tỷ đồng, còn với Uber vừa phản ứng với việc truy thu thuế của Bộ Tài chính. Ngược lại, các DN taxi truyền thống vẫn đều đặn, chăm chỉ đóng thuế đúng nghĩa vụ.
Đang có sự tranh cãi về thuế phải nộp giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Ứng dụng công nghệ để cạnh tranh
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cũng đưa ra câu hỏi: Chính sách thuế chúng ta có áp dụng công bằng với DN? Cụ thể một DN phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN; trong đó có 2 phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế trực tiếp. Nếu DN đủ điêu kiện khấu trừ thì có 2 mức thuế suất 5% và 10% được áp dụng trong đó 5% là áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu còn đối với mặt hàng kinh doanh vận tải này là 10%. Nếu áp dụng phương pháp khấu trừ 10% thì DN sẽ được khấu trừ phần thuế đầu vào đầu ra, phần giá trị tăng thêm thì mới chịu thuế 10%. DN không đủ điều kiện áp dụng thuế khấu trừ thì áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp tỷ lệ cho từng ngành nghề, với dịch vụ vận tải là 3%.
Đối với thuế thu nhập DN cũng có hai phương pháp tính kê khai và tính theo tỷ lệ quy định. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với từng ngành nghề, hoạt động vận tải áp dụng thuế 2%. Áp dụng vào Uber, Grab trong đó Grab là đơn vị thành lập tại Việt Nam dù qua nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng Grab vẫn là DN có 2 thành viên. Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và còn lại 49% của nước ngoài. Grab khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Còn với Uber, đây là công ty nước ngoài thành lập ở Hà Lan và có kinh doanh hoạt động Việt Nam. Ở Việt Nam cũng có Uber Việt Nam nhưng không kinh doanh vận tải mà thực hiện dịch vụ khác. Uber Hà Lan ủy quyền qua Việt Nam và nộp thuế thay. Như vậy Uber Hà Lan là người đang kinh doanh, ký các hợp đồng vận tải tại Việt Nam thì nộp thuế tỷ lệ nhất định.
Một số liệu cũng cho biết, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều DN kinh doanh dịch vụ vận tải đóng thuế khá thấp. Chẳng hạn công ty cổ phần Gia Định và Công ty Sài Gòn Tourist số 10 có tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng dưới 3%; 2 công ty không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp là Thành Bưởi và Mai Linh ở phần thuế thu nhập DN, các DN đều nộp thu nhập trên doanh thu thấp.
Theo giới chuyên gia, các DN nên ứng dụng công nghệ để cạnh tranh trực tiếp với Uber, Grab và mở rộng ra nhiều hoạt động vận tải khác. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã hiện hữu, từ người thợ may đến người nội trợ đều áp dụng nên lĩnh vực vận tải cần phải ứng dụng ngay.
Tiếp tục định hướng chính sách
Trước ý kiến Uber Grab nộp thuế ít, trong khi taxi truyền thống đóng thuế nhiều hơn, ông Lưu Đức Huy cho biết: Nghĩa vụ về thuế do Quốc hội ban hành, đảm bảo công bằng. Trong quá trình thực hiện có gì bất hợp lý thì qua giám sát, Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Hiện tại còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Bộ Tài chính cũng đã từng được Đại biểu Quốc hội chất vấn và Bộ cũng đã có văn bản trả lời, thông tin đầy đủ tới các cử tri. Nếu chỉ nghe qua thông tin nơi này nơi kia thì không chính xác.
Về định hướng quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới, cũng theo ông Huy, đối với Uber, Grab và các loại hình kinh doanh tương tự quản lý thuế thực hiện theo đúng luật. Về chính sách thuế đã có quy định đầy đủ trong đó nguyên tắc được đưa ra là: Người nôp thuế tự khai, tự tính, tự nộp; sau đó cơ quan thuế thực hiện phần hậu kiểm. Nếu kê khai không đúng không đủ sẽ bị xử lý, hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro. Sau 2 năm thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã có họp với các bộ ngành và có báo cáo Thủ tướng về loại hình kinh doạnh vận tải công nghệ này. Hiện đang đợi ý kiến chỉ đạo mấy vấn đề như cần xác định rõ loại hình kinh doanh và Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý phải có tiếng nói chính thức để báo cáo.
* Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các cục thuế, chi cục thuế có kế hoạch thanh kiểm tra năm 2018 tại trụ sở của người nộp thuế phải đạt tối thiểu 18,5% số lượng người nộp thuế đang hoạt động thuộc diện quản lý thuế. Lãnh đạo ngành thuế cũng đề nghị các đơn vị địa phương chú trọng thanh kiểm tra thuế với DN hoạt động ở các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù phải kê khai thuế như: Kinh doanh qua mạng, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải Grab, Uber… * Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần mở rộng cơ sở nộp thuế, tăng cường thu thuế với các loại hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, các loại hình mới như Uber, Grab… Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành thuế còn chậm trong nghiên cứu đề xuất chính sách để thu thuế với các loại hình kinh doanh mới. |