Sau một thế kỷ, đại dịch cúm lại đe dọa toàn nhân loại
Cách đây một thế kỷ, cúm là một dịch bệnh được xem là nguy hiểm nhất, khi nhiều người mới mắc căn bệnh này vào buổi sáng cũng có thể tử vong ngay vào chiều tối cùng ngày. Đó là thời điểm mà vaccine phòng cúm chưa xuất hiện.
Ảnh minh họa.
Được xem là dịch bệnh gây ra nhiều chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, dịch cúm toàn cầu lúc bấy giờ đã ảnh hưởng tới 1/3 dân số thế giới, khiến cho gần 100 triệu người tử vong. Chỉ trong khoảng thời gian 12 tháng, cứ 100 người trên hành tinh thì có 1 người tử vong vì bệnh cúm.
Đại dịch cúm năm 1918 ảnh hưởng đến những người lớn ở độ tuổi 20-40 dù vẫn đang khỏe mạnh. Và độ tuổi tử vong vì cúm nhiều nhất là 28 tuổi. Lúc đó, những quân nhân trẻ tuổi làm việc trong quân đội, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch này.
Người ta ước tính, dịch cúm còn giết hại nhiều binh sỹ Mỹ hơn bất kỳ loại vũ khí của kẻ thù nào trong Thế chiến I. Trong năm 1919, tức một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, dịch cúm đã khiến 20 triệu người tử vong, tức gấp đôi số người chết trong Thế chiến I.
Đại dịch tái diễn?
Kể từ sau đại dịch năm 1918, thế giới đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong nỗ lực kéo dài tuổi thọ của loài người, trong đó tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới bây giờ đã lên tới 72 tuổi, gấp hơn 2 lần so với cách đó 1 thế kỷ.
Các loại thuốc kháng sinh đã bắt đầu xuất hiện kể từ sau Thế chiến II, trong khi các điều kiện về vệ sinh, dịch tễ, dinh dưỡng, nhà ở và việc cung ứng vaccine ngừa cúm cũng được cải thiện đáng kể.
Dù cho bệnh cúm và viêm phổi vẫn là hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia trong khoảng đầu thế kỷ 20, thì đến năm 2015, 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới đã không còn 2 loại bệnh này.
Thế nhưng, bệnh cúm theo mùa vẫn ảnh hưởng tới hàng triệu người, và nhiều quốc gia gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Anh mới đây đều công bố báo cáo cho rằng đợt bùng phát dịch cúm hiện nay là cực kỳ tồi tệ trong suốt nhiều năm qua.
Trong khi đó, các loại vaccine hiện hành cũng chỉ có hiệu quả hạn chế tùy theo từng chủng virus cúm - vốn thường biến đổi và tiến hóa để thích nghi. Như một hậu quả, một đợt bùng phát dịch tương tự như cách đây 1 thế kỷ đã trở thành mối đe dọa ở cấp độ toàn cầu.
Thế giới ngày nay có dân số cao gấp nhiều lần so với 1 thế kỷ trước, hiện ở mức 7,6 tỷ người và đã có nhiều thay đổi khi có nhiều vùng đô thị hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng hàng triệu người đang sinh sống trong các khoảng không chật hẹp.
Con người hiện đại cũng di chuyển dễ dàng hơn bằng đường hàng không. Ước tính có khoảng 258 triệu người sống ở nước ngoài, và có hơn 1 tỷ lượt người hàng năm đi qua biên giới để đến nước khác.
Sự thay đổi này, kết hợp với tình trạng quá tải của hệ thống chăm sóc y tế ở một số quốc gia... đã khiến cho đại dịch cúm hiện nay lan rộng một cách nhanh chóng.
Giới khoa học ước tính rằng các đợt cúm theo mùa có thể ảnh hưởng tới 15% dân số thế giới, gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế.
Ví dụ, ở Mỹ, chi phí mà người dân bỏ ra để chữa bệnh cúm trong một đợt dịch là hơn 100 tỷ USD. Tiêm phòng vaccine cho khoảng 60% dân số Mỹ sẽ giúp giảm lượng lớn chi phí và số người tử vong. Nhưng tỷ lệ tiêm phòng lớn như vậy là rất khó đạt được, trong khi khoảng thời gian vaccine có hiệu quả lại hạn chế.
Đó là chưa kể tới việc một số nhóm người và cá nhân có phản ứng phụ tiêu cực đối với các loại vaccine phòng cúm.
Thế giới chưa chuẩn bị trước dịch cúm
Được biết, các khuyến cáo về phòng tránh dịch cúm thường không được tuân thủ nghiêm ngặt. Biện pháp ngăn chặn dịch cúm lan rộng hữu hiệu nhất chính là thực hiện các chương trình tiêm chủng cấp quốc gia ở mỗi nước trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi người dân các nước, đặc biệt là các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao - như người lớn tuổi - phải tiêm phòng vaccine hàng năm.
Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm rửa tay thường xuyên và che miệng khi ho. Những người khỏe mạnh nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh, và người bệnh thì nên ở nhà - để nghỉ ngơi và liên tục tiếp nước cho cơ thể cho đến khi bệnh cúm khỏi hẳn.
Vào năm 2013, Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan đưa ra chính sách của WHO, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường chương trình tiêm chủng vaccine cho tất cả những nhóm người có nguy cơ mắc cúm cao, và bao phủ chương trình tiêm chủng cho 75% người lớn tuổi từ đó cho đến năm 2020.
Tuy nhiên, dữ liệu mà WHO thu được trong năm 2015 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn tuổi ở nhiều quốc gia rất khác nhau.
Trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), không có nước nào đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm người lớn tuổi đạt 75%, chỉ trừ Hàn Quốc (85%). Chỉ có 5 quốc gia - Anh, Mỹ, New Zealand, Hà Lan và Israel - tiêm vaccine cho 2/3 số người lớn tuổi ở nước họ.
Khó tránh khỏi đại dịch toàn cầu
Hàng loạt nghiên cứu trong các năm gần đây đều chỉ ra rằng một đại dịch cúm là điều khó tránh khỏi, và nó sẽ trở thành một mối đe dọa toàn cầu, trong khi thế giới lại chưa thực sự chuẩn bị để đối với dịch cúm.
Ngay cả các bệnh viện ở Mỹ hiện nay vẫn thiếu nguồn cung thuốc men để đối phó với đại dịch cúm, bởi chính phủ nước này liên tục cắt giảm ngân sách y tế công trong suốt 15 năm nay.
Bất chấp lời cảnh báo đến từ giới chuyên gia quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng chưa thành công trong việc tăng nguồn ngân sách chuẩn bị đối phó với dịch cúm.
Hiện nay, theo đánh giá của WHO, hậu quả của dịch cúm ở các quốc gia đang phát triển sẽ trầm trọng hơn nhiều so với ở các nước phát triển.
Nhiều người ở các nước giàu dễ dàng tiếp cận hơn với các loại vaccine phòng cúm và đủ khả năng để mua các loại thuốc chữa trị, trong khi người dân ở các nước nghèo lại không thể.
Nói cách khác, trong lúc mà đại dịch xảy ra, các nước giàu sẽ chỉ chú trọng chữa bệnh cho người dân trong nước mà không có thời gian để hỗ trợ cho các nước nghèo.
Cần có "siêu vaccine"
Giới chuyên gia y tế công cộng đã từng nói rằng giải pháp duy nhất để tránh hậu quả của một đại dịch cúm chính là nghiên cứu ra một loại vaccine phòng cúm duy nhất, có khả năng bảo vệ tất cả mọi người khỏi tất cả các chủng virus cúm trong khi có hiệu lực kéo dài trong nhiều năm liền, thậm chí có hiệu lực vĩnh viễn.
Loại vaccine như vậy có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần, dựa trên các bước tiến về trong nghiên cứu dược phẩm những năm gần đây.
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã tìm cách chế tạo ra một loại "siêu vaccine" có khả năng xóa bỏ việc phải đi tiêm phòng mỗi năm và bảo vệ được toàn nhân loại khỏi phần lớn các chủng virus cúm - một công cuộc đầy khó khăn để chống lại một loại virus liên tục tiến hóa để thích nghi.