Sân chơi mới nhiều hứa hẹn

Minh Phương 07/03/2018 08:00

Ngày mai (8/3), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết tại Chile. CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, cùng đó là sự cải thiện về thể chế.

Sân chơi mới nhiều hứa hẹn

CPTPP đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Lợi ích nhiều mặt

CPTPP chính là Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được khởi động lại và không có Mỹ. Đây là Hiệp định được đánh giá sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam về nhiều mặt.

Theo Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương), về kinh tế, việc tham gia CPTPP tổng thể là có lợi cho Việt Nam khi góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Phần quan trọng khác của Hiệp định CPTPP chính là giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Cũng theo Vụ Chính sách đa biên đánh giá, đây là lợi ích mang tính lâu dài. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Nhấn mạnh hơn về những lợi ích mà CPTPP mang lại cho Việt Nam, Bộ Công thương cho rằng, cũng như TPP, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện.

Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước v.v..

Đánh giá về Hiệp định, Bộ Công thương lưu ý, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước…

Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp (DN) và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, CPTPP tạo động lực cải cách thể chế do các yêu cầu, quy định đối với các nước tham gia là khá khắt khe. Một số ý kiến cho rằng, dù thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng được xem là ích lợi lâu dài của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP, song ở giai đoạn trước mắt, đây lại chính là thách thức không nhỏ. Giống như Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ với chúng ta khi có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc.

Dễ thấy, trong câu chuyện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian qua, nhiều điều kiện kinh doanh cũng như các giấy phép đã được tiến hành cắt giảm liên tục.

Các thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa hơn đáng kể, song dường như tất cả chưa đủ để tạo cú hích cho DN. Câu chuyện ở đây không phải là đo đếm số lượng giấy phép hay điều kiện kinh doanh được cắt giảm.

Theo các chuyên gia, mấu chốt là phải “đánh” vào yếu tố vận hành, yếu tố con người, vì chỉ yếu tố này mới giúp cải cách thể chế thực sự, chứ không chỉ đơn thuần là cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Cần tận dụng cơ hội

Theo chia sẻ của nhiều DN, CPTPP rõ ràng mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng DN, đặc biệt là sự cải thiện về môi trường đầu tư.

Bởi vậy, mong muốn của DN khi đón chờ Hiệp định này chính là nền kinh tế nước nhà sẽ hướng mạnh đến kinh tế thị trường, tạo ra những cơ hội lớn cho các DN trong thương mại quốc tế.

Nêu những suy nghĩ của mình trước những cơ hội mà Hiệp định này mang lại, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, điều quan trọng nhất khi tham gia Hiệp định CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, DN Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.

Đối với các DN trong ngành thủy sản, thực chất DN không trông chờ các hiệp định thương mại tự do để giảm thuế suất vì thực tế, các dòng thuế hiện nay đã rất thấp, thậm chí bằng 0%. Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế thực sự nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các DN ngành dệt may bày tỏ mong muốn Thương vụ Việt Nam tại các nước tham gia Hiệp định này sẽ quan tâm, kết nối thông tin tại các nước sở tại giúp các DN nội địa có thể nhanh chóng nắm được các thông tin liên quan tới Hiệp định CPTPP, từ đó tận dụng cơ hội sản xuất theo thị hiếu, nhu cầu của người dân các nước ngay từ khi CPTPP được ký kết.

Được biết, để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho DN và người dân Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.

Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại DN Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính… nhằm nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đón CPTPP, cần phải có sự vào cuộc của hai phía. Không chỉ nỗ lực từ nhà quản lý, các DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

CPTPP sẽ mở ra một sân chơi mới đầy hứa hẹn với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Ngoài ra, với tiêu chuẩn cao và đặt ra những quy định cho các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước v.v. Hiệp định này sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới.

Minh Phương