Ngân hàng Hoàng gia Scotland bị Mỹ phạt 500 triệu USD
Ngày 6/3, giới chức Mỹ đã phạt Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) 500 triệu USD với cáo buộc có những "hành động gian dối" trong hoạt động mua bán các khoản đầu tư thế chấp thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ảnh minh họa.
Trong một thông báo, Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman cho rằng RBS đã bán cho khách hàng nhiều công cụ tài chính phái sinh kém chất lượng, như chứng khoán bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp bất động sản (mã RMBS), được hỗ trợ bằng các khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn tiềm tàng nhiều nguy cơ.
RBS sẽ phải trả 100 triệu USD tiền mặt nộp trực tiếp cho bang New York và 400 triệu USD còn lại sẽ được hiện thực hóa thông qua các hình thức hỗ trợ khách hàng cho các cộng đồng và chủ sở hữu nhà ở New York chịu tổn hại từ hoạt động bán ra RMBS của ngân hàng.
RBS cũng đã thừa nhận bán cho các nhà đầu tư RMBS được hỗ trợ bởi những khoản cho vay thế chấp không tuân thủ các quy định tài chính.
Những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi các ngân hàng và thể chế tài chính sử dụng những khoản cho vay này để tạo ra các công cụ tài chính phái sinh mà chưa đánh giá đầy đủ những nguy cơ tiềm ẩn.
RBS, với phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Anh, từng là ngân hàng lớn nhất thế giới trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008.
Tháng 2/2018 vừa qua đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế kể từ năm 2008. Chính phủ Anh hiện đang muốn bán lại hầu hết cổ phần trong RBS.
Trước khoản phạt trị giá 500 triệu này RBS từng phải gánh một khoản phạt khác trị giá 5,5 tỷ USD từ Cơ quan Tài chính nhà ở Liên bang Mỹ vì những cáo buộc liên quan tới hoạt động buôn bán cổ phiếu thế chấp trong giai đoạn từ 2005 đến 2007.