Món ngon ngày Tết của đồng bào Cơ Tu
Đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam có rất nhiều đặc sản, nhất là những món ăn trong ngày Tết như cơm lam, bánh sừng trâu, thịt gác bếp, za zá…Không đơn thuần là ẩm thực, những món ăn này còn gửi gắm ước vọng ấm no trong những ngày đầu năm mới.
Bánh sừng trâu.
Theo lời chị Alăng Thị Nhâm, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thì sừng trâu là thứ bánh đặc sản từ người già đến trẻ nhỏ đều biết và thích ăn. Gọi là bánh sừng trâu vì hình dạng thon nhọn của bánh tựa sừng trâu. Người Cơ Tu gọi bánh này là Avị Acuốt hoặc C’cót, bánh đót. Bánh được làm từ loại nếp thơm truyền thống và được gói trong những chiếc lá đót rừng - loại cây có lá thon dài, được nhiều vùng miền núi phía Bắc và miền Trung sử dụng gói bánh. Lá được dùng để gói bánh phải to bản, không bị rách, mang về rửa và lau sạch sẽ rồi ép nhanh để lá không khô.
Khác với các loại bánh khác là ngâm nếp rồi làm bánh, cách làm sừng trâu vô cùng độc đáo là sau khi gói xong sẽ được thả vào thau nước lạnh ngâm khoảng hai giờ đồng hồ cho nếp mềm mới mang ra luộc, nên dù để nhiều ngày bánh cũng không thiu và ăn vẫn còn dẻo thơm. Khi ăn mùi nếp chín dẻo hòa quyện cùng mùi lá đót rừng vô cùng hấp dẫn.
Với người Cơ Tu, bánh sừng trâu không thể thiếu trong mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ tết. Mỗi chiếc bánh được người dân gửi gắm mong muốn cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, buôn làng được bình yên.
Za zá.
Một món cũng không thể thiếu trong ngày tết của đồng bào Cơ Tu chính là món za zá. Để làm món này cho thịt rừng, ếch, chim, cá, gà… trộn với măng, ớt và một số gia vị rồi cho vào ống nứa tươi đem nướng đến khi có mùi thơm lừng là được. Khi ăn, đổ ra lá là trải sẵn. Trong tiết trời se lạnh, nhấp chén rượu tà vạt và thưởng thức món za zá thật không còn gì tuyệt hơn.
Ngoài ra, ở một số vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống, ngày Tết ngoài những món ăn thông thường còn có cả món z’rúa (thịt ủ chua trong ống nứa); z’ră (thịt ống thọc nhuyễn); rượu Tà-vạt (một loại rượu lấy từ thân cây đoác);… với nhiều hương vị đặc trưng rất riêng có.
Theo truyền thống, đồng bào Cơ Tu thường ăn Tết trong 3 ngày. Trước đó một tháng, đồng bào Cơ Tu đã chuẩn bị các món ăn truyền thống, các ghè rượu cần; trang trí nhà cửa sạch đẹp cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác. Vào đêm giao thừa, già làng và các vị cao tuổi sẽ đại diện dâng mâm cơm cúng Giàng, tạ ơn thần linh cho một năm bình an vừa qua và cầu cho sang năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no. Sau khi cúng Giàng, dân làng Cơ Tu tập trung về nhà Gươl - nhà truyền thống của làng để hát múa mừng năm mới và tổ chức nhiều trò chơi truyền thống.