Thanh Hóa: Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò sinh sản
Trước đây, đời sống của bà con dân tộc thiểu số huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ bò giống cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhiều người dân đã thực hiện mô hình sản xuất, từ một gia trại bé phát triển thành trang trại lớn để vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ dân đã thoát nghèo từ mô hình nuôi bò sinh sản.
Điển hình như dự án chăn nuôi bò cái sinh sản (thuộc Chương trình 135) được thực hiện để hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã đặc biệt khó khăn. Dự án này đã giúp bà con dân tộc thiểu số có nguồn vốn để phát triển sản xuất. Cuộc sống đỡ vất vả hơn do chủ động trong việc tích trữ lương thực.
Anh Hà Xuân Doanh ở thôn 10 - xã Điền Quang cho biết, anh sinh ra trong một gia đình nghèo, dù đã làm nhiều nghề nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình. Năm 2014, anh tham gia Chương trình 135 và được dự án chăn nuôi bò cái sinh sản hỗ trợ 1 con bò để chăn nuôi. Anh cũng thường xuyên được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng khoa học vào phát triển sản xuất. Ban đầu, công việc khó khăn, kinh tế không đủ lo cho gia đình nhưng anh vẫn kiên trì. Ngoài chăn nuôi, anh còn trồng thêm nhiều giống cây hái quả, cây lâm nghiệp để xây dựng 1 trang trại tổng hợp. Hiện trang trại của anh đã rộng lên 7 ha với 10 con bò sinh sản, 3 ao cá lớn, 2,5 ha keo, 2,7 ha trồng cây luồng, cây vầu, 1 ha trồng mía; thu nhập bình quân của trang trại anh vào khoảng 160 triệu đồng/năm.
Anh Trương Văn Dung ở thôn Un - xã Điền Quang cũng là một người được Chương trình 135 hỗ trợ 1 con bò sinh sản vào năm 2014. Sau khi nhận bò, anh được cán bộ nông nghiệp huyện tư vấn, hướng dẫn về phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Từ chỗ chỉ chăn nuôi bò, năm 2016, anh dùng số tiền lãi từ việc bán bò con để mua lợn giống chăn nuôi và trồng thêm các loại cây lâm nghiệp. Anh đã đầu tư xây dựng mô hình phát triển trang trại tổng hợp, hiện gia đình anh đang sở hữu 1 trang trại rộng 7 ha; trong đó có 10 con bò, 30 con lợn sinh sản cùng nhiều loài cây như cây keo, sắn, mía. Thu nhập bình quân của gia đình anh vào khoảng 130 triệu đồng/năm.
Ông Hà Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang cho biết, là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, Điền Quang có tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2017, xã Điền Quang được Nhà nước hỗ trợ 314 triệu đồng thông qua Dự án chăn nuôi bò cái sinh sản với 26 hộ nghèo được nhận 26 con bò cái (trị giá 10 triệu đồng/con); 6 hộ cận nghèo được nhận 6 con trị giá 8 triệu đồng/con. Xã đã thực hiện tốt dự án, giao bò cho nhân dân theo sự chỉ đạo của UBND huyện Bá Thước. Ngoài bò giống được hỗ trợ, các hộ gia đình tham gia dự án còn tự huy động kinh phí để mua thêm các giống vật nuôi, cây trồng khác để xây dựng trang trại, phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập.
Không chỉ xã Điền Quang, các xã Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm cũng được Chương trình 135 hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò. Nhiều bà con dân tộc thiểu số đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất và chất lượng, từ đó cải thiện nguồn thu, cuộc sống ổn định hơn.
Ông Lê Trung Lương - Phó phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết, đến nay, huyện Bá Thước đã triển khai Chương trình 135 gồm 17 dự án phát triển chăn nuôi có tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng với 345 hộ nghèo được hỗ trợ; tổng số bò hỗ trợ là 324 con, trâu 21 con, qua đó, giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn nơi huyện nghèo miền núi.