Cẩn trọng bệnh không lây nhiễm
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng và các dịch bệnh mới nổi thì Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Vậy phải làm gì để phòng bệnh?
Ăn mặn thường xuyên sẽ tăng huyết áp và dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Theo thống kê, cứ 10 người tử vong có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi mãn tính, chiếm 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Đặc biệt, các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Ngành y tế cũng lưu ý đặc biệt đến ung thư, tim mạch, đái tháo đường.
Kết quả điều tra gần đây nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chiếm khoảng 6% dân số. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65% và tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn, bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, bị cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch.
Còn theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người lớn có ít nhất 1-2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. GS-TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng cảnh báo, nếu như tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh tim mạch ở các nước phát triển đã được ngăn chặn và có xu hướng giảm thì tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày một gia tăng.
Về nguyên nhân gia tăng bệnh không lây nhiễm, ông Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm là hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, dẫn đến các thay đổi sinh chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh.
Điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam cho thấy, gần 60% số người dân ăn quá ít rau, trái cây; gần 44% số người trưởng thành có uống rượu, bia; 22,5% số người trưởng thành có hút thuốc, thiếu các hoạt động thể lực...Ngoài ra, do lối sống công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến con người lười vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ người mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường được phát hiện và quản lý điều trị còn thấp. Trong khi các bệnh không lây nhiễm đều có thể phòng ngừa được.
Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài lối sống lành mạnh, tập thể thao hàng ngày thì trong chế độ ăn cần giảm muối, kiểm soát cân nặng, sử dụng lượng chất béo, chất đạm vừa đủ, giảm tiêu thụ đường tinh chế, tăng sử dụng rau quả, uống đủ nước, hoạt động thể lực phù hợp…Theo PGS, TS Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng quốc gia), mỗi người chỉ nên ăn dưới 5gam muối/ngày. Thường xuyên ăn các thực phẩm hấp, luộc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và giảm các món rim, kho, rang trong bữa ăn.