Kiểm soát chi đối với dự án ODA, vốn vay ưu đãi
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Để kiểm soát chi đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài sao cho hiệu quả; TS Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có trao đổi với Đại Đoàn Kết.
Ông Trần Anh Tuấn.
PV: Ông nghĩ sao khi dự thảo Nghị định đề xuất trên, trong đó quy định địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50%, riêng Hà Nội và TP HCM được vay lại 80% vốn vay ODA?
Ông Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng, Hà Nội và TP HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là những nơi có nhiều dự án lớn về mặt quy mô. Hạ tầng phát triển của các dự án lớn sẽ tạo tính lan tỏa phát triển kinh tế cho các tỉnh xung quanh 2 cực này. Đây là động lực để phát triển chung chứ không chỉ riêng 2 nơi này. Đó là ưu tiên hợp lý đối với điều kiện đặc thù và phát triển của những cực kinh tế lớn trong cả nước.
Ở đây đặt ra vấn đề là bài toán quản lý. Quá trình quản lý kiểm soát các dự án ODA ở địa phương, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM là vô cùng phức tạp. Do đó cơ chế giám sát đòi hỏi cũng phải có cơ chế riêng đặc thù, nhất là sự phối hợp giữa địa phương và Trung ương. Nếu giám sát và phối hợp không tốt, việc chậm tiến độ dễ xảy ra và khiến đội vốn lên.
Vay ODA nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả sẽ dẫn đến những lo ngại làm tăng nợ công?Vậy theo ông cần quan tâm như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- ODA thực sự là ngân sách. Nếu kiểm soát không chặt, hiệu quả sẽ gây lãng phí; hơn thế nữa nếu tiến độ của các công trình chậm sẽ dẫn đến lãng phí khi đội vốn và làm cho ngân sách thêm gánh nặng. Do vậy cần triển khai có hiệu quả về tiến độ, thời gian, cách sử dụng nguồn vốn để tránh lãng phí. Tất cả các vấn đề này là bài toán hiệu quả trong sử dụng vốn ODA cần được đặt ra.
Vậy cần kiểm soát nó như thế nào, thưa ông?
- Sử dụng vốn vay ODA liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Bây giờ muốn hiệu quả phải công khai, minh bạch, có giám sát của người dân. Thường ODA là vay ưu đãi, nhưng ngân sách phải trả cho việc vay đó. Liên quan đến vấn đề kiểm soát chi cũng như thời gian thực hiện các dự án ODA phải đúng như cam kết, đúng tiến độ. Hiện nhiều dự án chậm cho nên các dự án đó không hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển. Do vậy, trong cơ chế giám sát cần giám sát cả những vấn đề liên quan đến chất lượng và tiến độ, quá trình triển khai thực hiện dự án trong từng công đoạn.
Trân trọng cảm ơn ông!