Chủ động phòng chống cháy rừng
Tây Nguyên đang bước vào giữa đỉnh điểm mùa khô, đây là thời điểm hết sức khó khăn đối với lực lượng bảo vệ rừng.
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk đốt thực bì phòng chống cháy rừng mùa khô.
Hơn 1 tháng nay, hơn 50 công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk luôn có mặt tại khu vực rừng mình quản lý để kiểm tra và thu dọn phần thực bì còn lại tại các khu rừng. Ông Bùi Văn Hưng, Trưởng phòng trồng rừng của Công ty cho biết: Để chủ động trong phòng chống cháy rừng mùa khô, ngay từ đầu tháng 12, Công ty đã thực hiện nhiều đợt phát dọn thực bì, mở rộng đường băng cản lửa, đặt các biển cảnh báo cháy rừng và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng đến rừng từ 1-2 tuổi vì đây là khu vực rừng dễ cháy. Đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, Công ty thành lập riêng các tổ phòng cháy rừng, các cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại vườn Quốc gia Chư Giang Sin, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn quốc gia cho biết: Vườn quản lý, bảo vệ gần 60.000 ha rừng với địa hình phức tạp, chia cắt liên tục bởi núi cao, suối sâu nên nếu xảy ra cháy rừng sẽ rất khó kiểm soát, gây thiệt hại lớn. Do đó, việc triển khai các biện pháp phòng cháy luôn được đặt lên hàng đầu. Mùa khô này, Vườn đã thành lập 12 tổ phòng chống cháy rừng, mỗi tổ gồm 7-10 thành viên, có mặt thường xuyên tại khu vực được giao để nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm nội quy, quy ước phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhất là những khu vực tiếp giáp khu dân cư, thường xuyên có người qua lại. Vào đỉnh điểm mùa khô, cán bộ và nhân viên đơn vị phải túc trực 24/24 để tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình.
Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả tỉnh, ông Trương Văn Dự- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết, diện tích rừng của huyện Ea Súp được chia làm hai loại: rừng khộp là kiểu rừng thưa, cây lá rộng thường có một tầng duy nhất, cây ít cành và ít lá, tầng mặt cỏ vẫn phát triển được; và rừng nhiệt đới bán thường xanh là loại rừng có diện tích nhỏ, phân bố chủ yếu ở ven sông Ea H’leo với các loài ưu thế như bằng lăng, căm xe, dầu rái… một số loài quí hiếm thuộc gỗ nhóm I như cẩm lai, hương, cà te. Theo dự báo năm nay mùa khô khắc nhiệt vì vậy ngay từ cuối năm 2017, Hạt đã xác định các vùng trọng điểm để có những giải pháp tốt phòng chống cháy rừng.
Theo ông Mai Văn Kiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hơn 720.000 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha, độ che phủ rừng đạt hơn 39,3% (tính cả cây cao su). Đối với mùa khô năm nay, toàn tỉnh có hơn 220.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện MĐ’rắk, Lắk, Ea H’Leo, Krông Bông, Krông Năng, Ea Kar, Ea Súp…
Sau khi tiến hành kiểm tra xác định các khu vực rừng dễ bị cháy theo mức độ, tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ các lực lượng triển khai công tác phòng, chống cháy rừng và xây dựng phương án, xử lý tình huống nếu xảy ra cháy. Cùng với đó là các phương án phòng chống cháy rừng. Tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo thường trực để khi có cháy rừng xảy ra có thể ứng cứu kịp thời.