CPTPP chính thức ký kết: Hy vọng mới cho kinh tế phát triển
Rạng sáng ngày 9/3 (giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra tại thủ đô Santiago, Chile. Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, CPTPP - một hiệp định thương mại tự do lớn nhất vừa được ký kết hứa hẹn sẽ có nhiều tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Tham gia CPTPP, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Nhiều cơ hội
Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã tham gia lễ ký kết.
Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc các Bộ trưởng phụ trách kinh tế - thương mại của 11 nước tham gia CPTPP chính thức ký kết Hiệp định và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia.
Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Riêng đối với Việt Nam, giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc tham gia CPTPP nhìn tổng thể là có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt: kinh tế, chính trị… đặc biệt là về mặt thể chế. Cụ thể, theo ông Lương Hoàng Thái- vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương),Việt Nam trông đợi ở Hiệp định này rất nhiều khía cạnh.
Cụ thể, theo ông Thái, về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nền kinh tế trong khu vực. Tập hợp này có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
“Quan trọng là việc giúp chúng ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài”, ông Thái nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ông Thái, Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, khi tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Xung lực mới
Nói về CPTPP, một hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tham gia, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm: Những tác động tích cực của CPTPP là tương đối toàn diện. Bởi vậy, Bộ trưởng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Theo người đứng đầu Bộ Công thương, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu. Với các ngành khác, không phải không có lợi ích, song còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.
Bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cũng nhận định còn rất nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các DN mà còn đối với người dân. Từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập WTO hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế.
“Tuy nhiên, nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá”- Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Nói về sự kiện Hiệp định CPTPP được ký kết rạng sáng ngày 9/3 (giờ Việt Nam), nhiều chuyên gia bày tỏ sự vui mừng, cho rằng, Hiệp định sẽ tạo xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam. Đây là một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) rộng lớn, bao gồm nhiều nước tham gia, do đó, sẽ tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa với nhiều ưu đãi lớn sang thị trường các nước thành viên.
Nhưng điều quan trọng hơn, đó là CPTPP tạo ra sức ép cải cách về thể chế, từ đó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho môi trường kinh doanh nước nhà, tạo động lực để cộng đồng DN tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách ổn định và bền vững.
Chia sẻ quan điểm về việc CPTPP chính thức được ký kết, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng cho rằng, điều khá đáng tiếc là Mỹ đã không tham gia hiệp định này, điều này gây ra khá nhiều thiệt thòi cho Việt Nam, vì đây là một đối tác giàu tiềm năng của chúng ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 10 nước còn lại tham gia vào CPTPP cũng là những thị trường “đáng nể”, và khi tham gia, buộc chúng ta phải tuân thủ các quy tắc trong CPTPP, từ đó bản thân các DN sẽ phải nỗ lực thay đổi.
Theo TS Hiếu, đây là một sân chơi đẳng cấp, vì vậy tham gia sân chơi đó, chúng ta phải thay đổi nhiều lĩnh vực, từ luật pháp, thể chế…cho đến cách thức tổ chức lao động sản xuất. “Tôi lấy ví dụ, nếu DN của chúng ta vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu cũ kỹ, thì khó có thể đáp ứng được năng suất và yêu cầu về chất lượng mà đối tác đưa ra. Do đó, DN buộc phải đầu tư để nâng cao chất lượng, năng suất”- TS Hiếu nhận định.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tham gia CPTPP, Việt Nam rất cần phải cải cách mạnh mẽ từ bên trong. Việc chúng ta đã và đang tham gia vào nhiều FTA, đặc biệt là các FTA chất lượng cao đòi hỏi chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập, có như vậy mới thích ứng và phát triển bền vững.
“Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”- ông Ousmane Dione, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. Theo đó, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn theo ông Sebastian Eckardt- chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. T.Hằng |