Quản nguồn vốn ODA
Những năm qua, Việt Nam liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, điều đó không đơn thuần dựa vào yếu tố nội sinh, mà còn dựa vào nguồn vốn vay từ nước ngoài. Nhờ nguồn vốn này đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng chậm phát triển, chuyển sang phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia không những không cải thiện tình hình kinh tế mà lâm vào cảnh kinh tế suy thoái, nợ nần chồng chất. Thế nên, phải quản chặt nguồn vốn vay này.
Đầu năm mới này có nhiều tin vui, kinh tế tiếp tục ổn định phát triển, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều, các chỉ số khác đều cải thiện. Nhưng có một tin rất không vui đó là, chi thường xuyên 2 tháng đầu năm chiếm tới 83,1% trong khi đó chi cho đầu tư, phát triển chỉ chiếm 4,2%. Con số này nói lên nhiều điều: Đó là nỗ lực cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là không hiệu quả. Đó là tiền ngân sách của chúng ta từ nhiều năm nay không đủ để chi thường xuyên, không có tích lũy để đầu tư phát triển. Tất cả đầu tư phát triển đều dựa vào vốn vay.
Điều này đã được cảnh báo từ rất nhiều năm, nhưng vẫn tắc giải pháp.
Hãy nhìn về một gia đình khó, cứ vay, cứ tiêu xài, mà làm không ra thì sẽ thế nào? Một quốc gia vững bền phải là nắm trong tay ngân sách ổn định. Một đất nước có kỷ cương thì mỗi đồng tiền ngân sách tiêu việc gì phải cân nhắc nâng lên đặt xuống.
Một quốc gia lo xa, nhìn xa thì đồng tiền nợ công phải đầu tư vào đúng việc. Làm sao để không còn tình trạng nhiều dự án dở dang chềnh ềnh chờ vốn ở các địa phương? Làm sao có thể cứ đi vay kiểu “húc đầu vào đá” như cái công trình đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh quá tai tiếng về “đội vốn” khủng và quá chậm, quá ỳ ạch kia? Chỉ có thể là quản thật chặt mọi khoản vay kể cả là nguồn vốn được ưu đãi như ODA.
Trước thực trạng này, tại phiên họp hôm 8-3 về hiệu quả nguồn vốn vay ODA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Phải có tiêu chí rõ ràng hơn đâu là chi đầu tư phát triển, đâu là chi thường xuyên trong các dự án ODA”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải làm rõ các khái niệm này, không để nhầm lẫn, dẫn đến khó khăn trong quản lý.
Nhấn mạnh trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn. Các khoản vay ODA mới chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên… Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, công tác quản lý ODA còn tồn tại bất cập, hạn chế, cần quản chặt nguồn vay này.
Về khoản vay này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có báo cáo gửi tới QH, trong đó có nêu lên 7 tồn tại về việc huy động và sử dụng vốn ODA. Đó là: Thiếu định hướng tổng thể; chú trọng thu hút, huy động, chưa tập trung thẩm định hiệu quả dự án, việc phân bổ vốn còn dàn trải. Thiếu gắn kết giữa các khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA. Một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Một số dự án vay vốn với điều kiện vay bị ràng buộc, chi phối bởi phía cho vay dẫn đến chi phí thực hiện dự án cao.
Còn tồn tại tình trạng điều chỉnh tăng tăng mức đầu tư của một số dự án ODA với mức điều chỉnh lớn so với phê duyệt ban đầu. Nhận thức về ODA còn hạn chế, còn tâm lý bao cấp từ Nhà nước, coi ODA là khoản viện trợ hoặc cho không của các quốc gia phát triển nên chưa thực sự chú trọng trong sử dụng, quản lý hiệu quả.
Ủy ban này cũng dẫn chứng một số dự án thuộc ngành xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, giấy, thép, hóa chất như Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn ngân sách nhà nước cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55,4 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới 63,2 nghìn tỷ đồng... Dự án Metro Hà Nội tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR,
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng; Dự án Cải thiện môi trường Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc tăng tổng mức đầu tư từ 1.751 tỷ đồng lên 4.024 tỷ đồng, Dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ mức 11.464 tỷ đồng lên 22.259 tỷ đồng và kiến nghị tăng thêm 26.051 tỷ đồng; Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh tăng từ 8.267 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng, tăng lần 3 lên 16.988 tỷ đồng...
Câu chuyện vay nhiều, vay nhanh, vay lớn, nhưng sử dụng tiền vay, tiền nợ này ra sao chẳng cần thống kê từ Ủy ban Tài chính- Ngân sách mà nhìn vào nhiều công trình được đề xuất lấy nguồn từ ngân sách mới thấy kỉ luật tài chính của ta còn chưa nghiêm.
Thế mới xuất hiện nhiều dự án “trên giời dưới đất” cứ mở ra mà không tính xem vốn liếng sẽ thu xếp thế nào, từ nguồn nào? Nào là quảng trường, nhà văn hóa. Nào là tượng đài, cổng chào hoành tráng của tỉnh, của huyện. Rồi trụ sở còn tốt vẫn cứ đập ra xin dự án xây lại cho to đẹp, xứng tầm hơn.
Ấy là chưa kể những chi tiêu trong khánh tiết, hội hè, mua sắm xe hơi, đoàn nọ đoàn kia nối nhau vi vu ra nước ngoài, hết học kinh nghiệm này, sáng tạo kia của các nước trời Âu, đất Mỹ. Học được gì, về nước áp dụng ra sao chả nhìn thấy, nhưng cái cần học các nước tiêu xài tiền công chắt chiu, đúng việc, đúng người thì xem ra chưa đạt hiệu quả.
Để phục vụ cho giai đoạn tới 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu vốn là rất lớn (trung bình 1.200 nghìn tỷ đồng/năm) trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách tăng, nguồn vốn ODA thu hẹp, điều kiện vay chặt chẽ hơn và mức độ ưu đãi giảm dần. Giải bài toán ODA thế nào để có thể tận dụng tốt nhất nguồn vốn này mà không để lại gánh nặng nợ nần cho đời sau, đang là thách thức to lớn đối với Chính phủ.
Theo đó, các khoản tiền từ ngân sách chứ không riêng gì vốn ODA, các nguồn vốn khác, kể cả việc phát hành trái phiếu cũng phải có quy hoạch, kế hoạch từ vĩ mô, nhất nhất “quân lệnh như sơn”, chứ không thể cứ tiêu xài ào ạt kéo theo nợ tới, nợ lui đẩy gánh nặng cho đời sau được.