Gỡ đinh dưới thảm
Thời gian qua, người dân và doanh nghiệp cảm nhận rất rõ nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ bằng việc hối thúc rà soát hàng loạt các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với việc dành tặng cộng đồng doanh nghiệp Nghị định 15 chứng tỏ Chính phủ đã “trải thảm” khẳng định sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng dưới tấm thảm đó vẫn còn “đinh” của không ít bộ, ngành.
Còn không ít điều kiện, thủ tục gây khó cho doanh nghiệp đang chờ đợi các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu vẫn “trên nóng dưới lạnh”, “trên trải thảm dưới rải đinh” thì doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.
Còn nhiều thủ tục gây khó
Thời gian qua, người dân và doanh nghiệp (DN) cảm nhận rất rõ nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ bằng việc hối thúc rà soát hàng loạt các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Nhưng thực tế vẫn còn đó không ít điều kiện, thủ tục gây khó đang chờ đợi các bộ, ngành đẩy mạnh làn sóng cải cách hơn nữa.
Tổ công tác của Thủ tướng khi làm việc với 16 bộ về thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho biết: Các bộ chưa thực hiện quyết liệt, chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với các danh mục hàng hóa phải KTCN đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một bộ. Tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để.Chi phí của thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng lớn đối với DN.
Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm phải KTCN nhưng chưa đề xuất cắt giảm gì. Tương tự, các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, cắt giảm rất ít hoặc cũng cũng chưa đề xuất gì đối với hàng trăm mặt hàng phải KTCN do bộ mình quản lý.
Còn kết quả kiểm tra về ĐKKD cho thấy, hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện… Không ít ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thật sự đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014. Một số ĐKKD đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh. Nhiều ĐKKD được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định. Hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất, kinh doanh của DN, gây tác động bất lợi đến DN…
Dưới thảm có đinh
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một Nghị định khiến cộng đồng DN “nức lòng”, sau một thời gian dài diễn ra nhiều cuộc đối thoại và cả tranh cãi giữa các DN với Bộ Y tế. Đó là Nghị định số 15 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo các ước tính, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho DN.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, Nghị định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký, thay vì 45 ngày như thông lệ. Hơn thế nữa, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Có thể nói đây là món quà lớn của Thủ tướng dành tặng DN nhân dịp năm mới cũng với thông điệp của một Chính phủ kiến tạo, lắng nghe, hành động và đồng hành cùng DN.Thế nhưng hiện Nghị định này đã có hiệu lực hơn một tháng mà ngành Hải quan vẫn “không biết” khiến hàng hóa bị tắc ở cửa khẩu.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam- phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nghị định 15 nêu rõ, nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước không phải chịu sự kiểm tra nhà nước của ngành hải quan. Tuy nhiên nguyên liệu hiện tại vẫn bị cơ quan chức năng giữ lại để kiểm tra. Cơ quan chức năng giữ nguyên liệu lại để kiểm tra chính là Chi cục Hải quan Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Nhiều DN cho rằng, Chính phủ dành tặng cộng đồng DN nhân dịp năm mới 2018 Nghị định 15 chứng tỏ Chính phủ đã “trải thảm” khẳng định sự đồng hành cùng DN, nhưng dưới tấm thảm đó vẫn còn “đinh” của ngành hải quan khi Nghị định đã có hiệu lực cả tháng trời mà cơ quan này vẫn “không biết”.
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa.
Lập đường dây nóng xử lý khó khăn
Trước những khó khăn của DN, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN trong năm 2018.
Chỉ thị giao rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng DN trong việc hỗ trợ, gỡ khó cho DN. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức có hiệu quả các khóa đào tạo hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tiếp cận tốt hơn tín dụng; tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN.
Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng mắc cho DN về thuế; tiếp tục quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; chống thất thu đối với hộ khoán; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với DN nhỏ, đặc biệt là DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho DN nhỏ và vừa; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính nhất quán, công khai minh bạch thông tin. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đột phá trong việc tạo quỹ đất cho DN đầu tư sản xuất, trong đó xem xét, giải quyết các vướng mắc trong việc thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, sản xuất thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh/thành: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cao Bằng, Hải Phòng, Đắk Lắk, Long An, Nam Định, Trà Vinh khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN.
Các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng DN, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc, công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với DN, và đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền nếu có những bất cập trong quy định pháp luật. Hy vọng, với đà cải cách mạnh mẽ như thời gian qua, DN sẽ không còn kêu khó.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tránh cắt thủ tục này mọc thủ tục khác Các bộ ngành địa phương cần rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật xây dựng phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp... Tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi, nhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện theo hướng xây dựng một Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong quý II/2018. |
Ông Nguyễn Đình Cung- viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Tạo động lực bên trong, áp lực bên ngoài Các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh. Sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các bộ trưởng là nhân tố quyết định. Việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành… đòi hỏi sự thay đổi cách thức, thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động tham gia giám sát, đánh giá và có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này. Ngay trong các bộ cũng phải có cơ chế giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm những vụ việc điển hình để thắt chặt kỷ cương, kỷ luật. Qua đó tạo động lực bên trong, áp lực bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ, mở rộng quy mô thực hiện. |