Cá tra vượt rào cản

Đức Thành 12/03/2018 08:30

Tại thời điểm này, giá cá tra, basa đã chạm mức kỷ lục, người nuôi cá lãi lớn. Tuy nhiên, vẫn còn đó “cuộc chiến cá thịt trắng” được một số nước dựng lên theo kiểu “rào cản kỹ thuật”; cũng như nguồn giống cho loại cá này cũng đang khá khan hiếm.

Giá cá tra tăng mạnh

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá cá tra đã ở mức kỷ lục. Hiện tại đang đứng ở mức 31.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao trong nhiều năm qua.

Hiện người nuôi có thể thu lãi trên 8.000đ/kg cá nguyên liệu. Ý kiến từ các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, việc giá cá tra, basa tăng cao là do cá nguyên liệu xuất khẩu đang khan hiếm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, tổng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng thu hoạch tăng 5,4%, đạt 1,25 triệu tấn.

Trong đó, 3 địa phương có diện tích nuôi lớn nhất cả nước là Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, có sản lượng cá tăng lần lượt là 6%, 5,9% và 6,4%.

Cũng trong năm này, theo Tổng cục Thủy sản, dù xuất khẩu cá tra ở các thị trường truyền thống như Mỹ và EU có sự sụt giảm mạnh từ 11% đến hơn 22% do rào cản từ thuế chống phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn; nhưng doanh nghiệp xuất khẩu đã kịp thời chuyển dịch sang thị trường mới như Trung Quốc, Brazil, Mexico, ASEAN...

Trong năm 2017, xuất khẩu cá tra đạt giá trị xấp xỉ 1,788 tỉ USD, tăng 4,3% so năm 2016.

Nếu như năm 2016 giá cá tra, basa trồi sụt thất thường, có thời điểm chỉ còn 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng (do chi phí sản xuất từ 20.000-22.000đ/kg).

Từ đó thu hẹp diện tích, dẫn đến việc “khan” hàng, đẩy giá lên cao, kể từ cuối năm 2017 tới nay.

Giá cá tra nguyên liệu tăng khiến giá cá tra giống cũng tăng theo, ở mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg (thời điểm giữa năm 2017 giá cá tra giống là 17.000 đồng - 18.000 đồng/kg).

Theo đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam thì ngành này đang thiếu hụt con giống trầm trọng. Khó khăn lớn nhất đến với các doanh nghiệp không có vùng nuôi, khan hàng trầm trọng.

Cho dù nguồn cá tra khan hiếm, đắt đỏ nhưng nhiều hộ chăn nuôi tại ĐBSCL vẫn tiếp tục mở rộng diện tích, vì hy vọng tiếp tục có lãi lớn trong năm 2018.

“Cuộc chiến cá thịt trắng”

Đó là cách gọi của giới xuất - nhập khẩu cá da trơn; đặc biệt khi con cá tra của Việt Nam liên tiếp gặp những “rào cản kỹ thuật” từ phía nhập khẩu, trong đó nổi rõ là thị trường Mỹ và EU.

Để bảo vệ con cá da trơn, ngày 27-2 Việt Nam đã gửi hồ sơ đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam.

Trong đó khẳng định việc Mỹ hạn chế nhập khẩu loại cá này là thiếu công bằng và thiếu cơ sở khoa học. Hồ sơ này sẽ được giải quyết trong vòng 60 ngày.

Trước đó, vào tháng 1, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã chính thức gửi yêu cầu tới phía Mỹ đề nghị tham vấn trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.

Hồ sơ đệ trình lần này của Việt Nam là lần tranh chấp thứ tư do Việt Nam khởi xướng kể từ khi tham gia WTO từ năm 2007.

Các khiếu nại trước đó về biện pháp chống bán phá giá của Mỹ với tôm xuất khẩu của Việt Nam; Vụ việc này kéo dài nhiều năm, cuối cùng đã kết thúc vào năm 2016 khi Mỹ chấp nhận loại bỏ thuế với một hãng xuất khẩu tôm của Việt Nam và hoàn trả số tiền đặt cọc thuế.

Được biết, kim ngạch nhập khẩu cá phi-lê từ Việt Nam của Mỹ đã tăng từ 100 triệu USD năm 2007 lên hơn 520 triệu USD trong năm 2016.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 3 sang Hoa Kỳ, xếp sau Chile và Trung Quốc.

Như vậy, cuộc “vượt rào” của con cá da trơn Việt Nam là khá chông gai. Theo Seafoodsource, “cuộc chiến cá thịt trắng” đang chặn đường cá tra Việt Nam vào EU và Mỹ, khi mà EU và Mỹ đã dựng lên nhiều rào cản thị trường với mục đích chống lại lượng xuất khẩu cá tra ngày càng tăng của Việt Nam.

Nói như TS Nguyễn Tiến Thông- PGS Đại học Nam Đan Mạch, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cấp cao của hãng phân tích Syntesa thì sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ và EU đã và đang bị ngăn chặn bằng các rào cản thị trường do các đối thủ cạnh tranh trong ngành và truyền thông “bẩn” ở các thị trường này dựng lên.

Cá tra vượt rào cản

Thu hoạch cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU đã giảm lần lượt là 11% và 22,3%, theo số liệu của VASEP.

Cho dù bằng chứng thực tế cho thấy cá da trơn của Việt Nam có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng dường như cuộc chiến nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU và Mỹ vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, phía Việt Nam, cùng với việc chứng minh chất lượng, giá của cá da trơn thì cũng đã và đang có thêm những thị trường mới.

Cụ thể, năm 2017, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 420 triệu USD, tăng 37% so với năm 2016.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu cá tra sang các nước châu Á khác, đặc biệt là Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo Tổ chức Nông lương thế giới, Mỹ Latinh đã nổi lên như một thị trường mạnh nhất của cá tra Việt Nam, với mức tăng trung bình 15%/năm.

Tại khu vực này, Brazil đã vượt qua Mexico trở thành nước nhập khẩu mặt hàng phi-lê cá tra từ Việt Nam lớn nhất khu vực, với mức tăng 22%. Cũng tại thị trường này, giá nhập khẩu trung bình đã tăng 39% đối với cá đông lạnh nguyên con và 7% đối với cá phi-lê đông lạnh.

Như vậy, có thể thấy đường bơi của con cá da trơn Việt Nam vẫn được khai thông, cho dù cuộc chiến của nó tại những thị trường lớn là EU và Mỹ vẫn chưa ngã ngũ.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng mạnh

Theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản (Vasep), Anh là thị trường duy nhất ở châu Âu có giá trị tăng trưởng dương xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp Việt Nam.

Kết thúc năm 2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 45,7 triệu USD, chiếm 2,6% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 2,5% so với năm 2016.

Hiện Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 6 sản phẩm cá thịt trắng cho thị trường Anh. Iceland và Trung Quốc là 2 thị trường dẫn đầu, chiếm từ 20 - 45% tổng nhập khẩu của Anh.

Đức Thành