Xưng hô thế nào cho chuẩn
Có lần, cô con gái đang học lớp 12 của tôi hồn nhiên kể trong bữa ăn: “Hôm nay thầy con bảo: Chúng mày có thích đi Ao Vua không tao xin phụ huynh cho rồi sẽ tổ chức đi vào đầu tháng tư này”
“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”.
Tôi tròn mắt nhìn con đầy ngạc nhiên. Con bé dường như nhận ra mình vừa lỡ lời (bởi chúng tôi chưa bao giờ xưng hô với con như vậy) nên vội vàng giải thích: Ui, thầy con teen lắm mẹ ạ! Không lúc nào cũng nghiêm nghị khó gần như mẹ và các thày cô khác đâu. Nói chung lớp con thoải mái lắm. Thầy toàn “mày tao”.
Còn các bạn thì gọi thầy có lúc bằng “ông”, “ông ấy”, “lão” nữa. Bình đẳng như hội bạn cùng tuổi ấy mà, không có gì mẹ ơi!
Xong rồi con bé đi rửa bát. Nó vui vẻ vừa làm vừa ca hát vui vẻ. Còn tôi, những tiếng “mày”- “tao” cứ văng vẳng trong đầu từ lúc đó.
Ngày nay, có lẽ quan hệ thầy trò đã thoáng hơn rất nhiều. Quan hệ giữa thầy cô và học sinh không còn quá khe khắt như thời chúng tôi đi học.
Tất nhiên điều đó cũng có mặt tích cực. Học sinh ngày nay có thể gọi thầy cô là “thầy”, “u”; là “papa”, “ma mi” và xưng con. Hãy đọc các lời chúc của học trò mỗi khi ngày 20-11 đến.
Những lời chúc giống như của con cái dành cho cha mẹ: “Chúng con kính chúc cô sức khỏe”, “Cô ơi con nhớ cô quá”, những người đưa đò cũng thấy ấm lòng, thấy yêu nghề hơn, hạnh phúc hơn.
Hay những giờ sinh hoạt, được nghe các trò chia sẻ về tâm tư, tình cảm, những mong ước của chúng về cách giáo dục con của bố mẹ, cách ứng xử của thầy cô với trò một cách rất thoải mái, thật lòng, những người làm thầy như chúng tôi thấy mình sống rất có ý nghĩa, được các em trao gửi tin yêu, bộc bạch những nỗi niềm sâu kín.
Đôi khi, tháo gỡ được cho các em rất nhiều khúc mắc trong cuộc sống. Để các em khôn lớn, trưởng thành, có những nhận thức đúng đắn, sâu sắc về các mối quan hệ xã hội, cách ứng xử trong cuộc sống và trưởng thành hơn. Một đời làm thầy, còn mong gì hơn như thế.
Nhưng, sự thay đổi nào cũng có tính hai mặt. Trước đây, thầy trò chỉ có một cách xưng hô duy nhất: Thầy cô - em. Nó thể hiện đúng mối quan hệ thầy trò. Trò khi chào thầy phải đứng lại. Rất nghiêm trang và lễ phép.
Còn ngày nay, sự “đa dạng hóa” cách gọi mối quan hệ này khiến cho có lúc chúng ta không còn nhận ra đâu là thầy đâu là trò nữa. Sự thân mật, tùy tiện thái quá làm cho cái uy của người thầy bị giảm sút nghiêm trọng.
Mỗi khi thấy thầy cô lên gần tới cửa lớp, học sinh nháo nhào chạy vào, hô hét: “ông H đấy”, “bà K đang lên” thấy thật buồn. Hay, học trò thản nhiên: “Cô trả bài chúng em đi nhá! Cô hứa bao nhiêu lần rồi. Toàn nói điêu!”.
Trong giờ sinh hoạt lớp hôm nay, khi tôi hỏi cậu lớp trưởng về giáo viên bộ môn trừ điểm lớp, cậu ta thản nhiên: Đó là đôi vợ chồng số 7. Tôi hỏi thế nào cậu ta cũng không chịu giải thích.
Khi tĩnh tâm lại, đọc số 7 bằng tiếng Anh (seven) rồi đọc theo kiểu nói ngược (vân sề) tôi mới thấy thật thất vọng. Hóa ra, sau lưng giáo viên, học sinh sẽ gọi họ bằng muôn vàn cái tên khiếm nhã như thế.
Ngôn ngữ dùng cho thầy cô của một bộ phận học sinh ngày nay được lấy từ ngôn ngữ giao tiếp bạn bè. Không còn quy chuẩn.
Còn cách giao tiếp của thầy với trò cũng là điều đáng bàn. “Mày - tao” là cách xưng hô của những người cùng trang lứa, suồng sã, không phù hợp với môi trường giáo dục. Thầy là tấm gương cho trò soi vào đó, bản thân thầy tự xóa đi ranh giới thì hỏi sao trò có thể giữ được cách gọi tôn kính từ ngàn xưa với thầy?
Có những thầy cô, khi nói với học sinh về chuyện yêu đương trong nhà trường, công khai hỏi: “Con này đã có thằng nào chưa?” Hay “Gấu của mày đâu?”. Rồi những từ “nai”, “gấu” được thầy cô sử dụng thường xuyên khi trò chuyện với học trò nữa... chẳng biết như vậy là tạo được sự gần gũi cởi mở giữa thầy trò hay là gián tiếp cổ vũ cho trò phát triển những thứ tình cảm mà ở tuổi chúng chưa nên bước vào ấy?
Làm thế nào để học trò tin cậy, thoải mái chia sẻ với thầy cô, làm thế nào để thầy cô vừa là những người bạn luôn ở bên chúng, là người anh, người chị thân thương bảo ban chúng hàng ngày; là người thầy người cô vừa dạy chúng kiến thức, vừa rèn nhân cách cho chúng…là điều mà những người làm giáo dục luôn phải phấn đấu.
Có thể có được môi trường giáo dục tích cực theo đúng nghĩa, hẳn là nên bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ ấy.