50 năm Sơn Mỹ - ngày ấy, bây giờ...
Những ngày này ở tỉnh Quảng Ngãi, người dân và chính quyền địa phương đang tập trung tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm ngày 504 thường dân thôn Sơn Mỹ bị thảm sát.
Học sinh thắp hương tưởng niệm đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát 50 năm trước.
50 năm trước, vào sáng ngày 16/3/1968, quân đội Mỹ đã đổ bộ vào làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi gây ra cuộc thảm sát đẫm máu, giết hại 504 thường dân vô tội.
Cụ thể, có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già và 89 trung niên bị tàn sát; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị giết chết, lương thực, mùa màng cũng bị đốt sạch, phá sạch...
Nỗi đau này quá lớn, người dân Sơn Mỹ không thể quên và để tưởng nhớ đến những cái chết oan nghiệt năm xưa, hàng năm cứ vào 16/3, tại khu chứng tích Sơn Mỹ, chính quyền và người dân địa phương luôn tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Lê Thị Thủy chia sẻ: “Tôi may mắn sống sót, nhưng gia đình tôi có 7 người thân bị giết hại trong ngày bi thương ấy”.
Còn cụ Nguyễn Thị Tý thì trải lòng: “Tôi may mắn sống sót nhưng lần đó gia đình đình tôi có đến 5 người bị giết hại. Nỗi đau thật lớn làm sao quên được. Nhưng nhớ về những người thân đã chết oan uổng thì tôi mong con cháu sau này hãy sống thật tốt thật có ích cho bản thân và cuộc đời này”...
Cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm người nổi tiếng với bộ phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” mấy chục năm qua đã nhiều lần trở lại Việt Nam, ghé thăm Sơn Mỹ. Ông cũng đã tham gia giúp vốn làm ăn cho nhiều phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi và xây tặng nhà tình thương cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Mike Boehm còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài hàng tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ công trình nước sạch cho các trường học Quảng Ngãi.
Trong dịp tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 2017, cựu chiến binh Mỹ này tâm sự: “Tôi mong những việc làm nhỏ bé của mình góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam, góp hành động nhỏ thiết thực vì thế giới hòa bình”. Tại những buổi lễ tưởng niệm ông luôn kéo đàn vĩ cầm. Ông nói, con người nơi đây có lòng vị tha lớn lao và rất yêu chuộng hòa bình.
Trở lại Sơn Mỹ những ngày này, người ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của vùng đất này. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,4%, trên 95% nhà ở của người dân đạt chuẩn 3 cứng theo quy định.
Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, cùng với những tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ đi qua địa bàn được đầu tư, nâng cấp sửa chữa mở mộng như Quốc lộ 24B, đường Mỹ Khê - Trà Khúc, trên 65km đường giao thông nông thôn trong xã cũng được bê tông hóa, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài những tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân áp dụng trong khâu giống, làm đất, gặt hái, thì trên 20km kênh mương nội đồng được chính quyền đầu tư kiên cố hóa để dẫn nguồn nước tưới từ các kênh chính thủy lợi Thạch Nham đến với đồng ruộng, góp phần làm việc giải phóng sức lao động của người nông dân.
Chợ trung tâm được đầu tư khang trang và có quy mô số hộ kinh doanh lớn (150) so với các địa phương khác trong khu vực, là nơi người dân có điều kiện mua bán những mặt hàng nông sản làm ra; 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hệ thống trường học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia; các thiết chế văn hóa được đầu tư trang hoàng, đáp ứng cho nhu cầu tinh thần người dân.
Bước vào năm 2018, hàng loạt các công trình dự án lớn và tầm cỡ về hạ tầng, du lịch và văn hóa được triển khai đầu tư trên địa bàn như: Đường ven biển Mỹ Khê, Dự án cầu Cửa Đại, Dự án Chùa Minh Đức và khu văn hóa Thiên Mã…
Quá khứ đau thương vẫn còn đó nhưng màu xanh của lúa, màu đỏ của những mái nhà, tiếng nô đùa của trẻ cho thấy người Sơn Mỹ trân trọng quá khứ nhưng luôn hướng niềm tin vào tương lai tươi sáng...