Có một vùng Tây Bắc kỳ thú
Vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc là nơi có nhiều dân tộc thiếu số cư trú. Cuộc sống và con người ở đây từ lâu đã trở thành một cái gì đấy thật bí ẩn với mọi người. Bao chuyện huyền thoại được thêu dệt quanh họ nhưng thực ra con người họ thuần phác, dễ gần và có nhiều tập tục độc đáo đậm chất văn hoá.
Người Mông và lễ hội Gầu tào.
Tết xứ Mường
Người Mường gọi Tết là Thết hay Sết. Tuỳ theo âm lượng từng vùng mà tên gọi này có khác nhau. Đưa tiễn năm cũ, và nghênh tiếp năm mới được người Mường chuẩn bị khá chu đáo. Bất cứ một nhà nào dù nghèo hay giàu, Tết đến cũng phải làm đủ 7 loại bánh: Pênh pang (bánh chưng), pênh yô (bánh giỏ), pênh yao (bánh giáo), pênh we (bánh trôi), chè lam (chè lam), pênh kai (bánh gai), pênh chả (bánh giày). Bánh để dâng hương tổ tiên, sau đó để ăn và làm quà cho người thân quen.
Nếu có dịp lên xứ Mường vào dịp này, khắp Mường trên, Mường dưới thinh không tĩnh lặng bấy lâu bị phá vỡ bởi tiếng thậm thịch của cối chầy. Các thiếu nữ Mường da trắng, tóc dài, mình đậm chắc nô đùa bên cối bột trắng ngần. Nếu được sống ở Mường vào những ngày này bạn mới hiểu được câu “ngày lùi tháng tiến” là thế nào.
Lên Mường vào những ngày Tết, nếu là khách quý bạn sẽ được chủ nhà mời ở lại cùng ăn món canh đắng do con gái họ nấu. Canh đắng là đặc sản của người Mường. Nguyên liệu làm canh đắng khá đơn giản. Nó gồm một số cây đắng chỉ có lá những ngày áp Xuân như: Chẩu, Màn tang, đắng cẩy... đem hong khô nấu cùng ruột cá. Cái vị ngăm đắng hơi ngọt cùng vị béo bùi cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi của người thưởng thức.
Tết của người Mường, ngoài 7 loại bánh và canh đắng, không thể thiếu rượu cần. Một góc văn hóa Mường được giấu kỹ trong chiếc ché màu da lươn đơn sơ ấy. Ngoài các thứ cần có cho một mùa Xuân, tầm quan trọng của vò rượu trong ngày tết đã được đưa lên hàng thứ nhất. Xuân sà xuống bên hiên, trong sàn nhà, bên đống lửa chủ khách vai kề vai ngậm cần rượu uống từng hơi dài. Mặt chủ, mặt khách đỏ lự bởi men rượu và hơi lửa, tiết xuân, xuề xoà những câu chuyện của tấc lòng.
Mồng năm Tết, sáng sớm, tiếng chiêng, tiếng cồng rộ lên từng đợt đánh thức trai Mường trên, Mường dưới, bứt họ khỏi mền chăn ấm. Họ lao vào góc nhà, nơi ấy, tối qua lúc quá chén, vợ hay người yêu đã sắp thức ăn khô đầy túi cho họ. Vai súng, vai túi họ đến nhà Mường trưởng. Sau một số nghi thức, hiệu lệnh phát đi, tất cả mọi người nhằm rừng sâu, chân trần tiến bước. Niềm hy vọng của Mường gửi gắm vào họ.
Việc đồng áng trong một năm mới chỉ bắt đầu khi các chàng trai săn hạ được một thú rừng đem về làm lễ dâng hương cầu may. Trong Mường, mỗi nhà hương Xuân vẫn còn vương vấn. Trẻ nhỏ vẫn quên ngày với các trò chơi đánh pao, đánh quay, chơi còn. Dáng thanh thoát của những thiếu nữ Mường vẫn thấp thoáng bên sàn. Họ đang lo một bữa cơm thịnh soạn đón chờ người chồng, người anh từ rừng đem thú về để đánh dấu chấm hết cho những ngày Xuân vui vẻ, đón một năm mới với bao hy vọng.
Đêm xuân ở nhà người Mông
Ở Tây Bắc, người Mông cư trú khá đông. Họ thích sống trên cao và ở nhà đất. Lương thực chủ yếu của họ là ngô. Người Mông biết làm ruộng khá sớm. Ngoài những phong tục như chặn đường cướp vợ, lẽ hội gầu tào, vỗ mông kén chồng họ còn khá nhiều chuyện lạ khác.
Chiếc gường cưới của vợ chồng người Mông được làm từ những đoạn cây có khá nhiều mấu với một kích thước khá nhỏ. Họ quan niệm có chật chội, đau đớn mà gắn bó được với nhau mới thật sự là thương yêu nhau. Chiếc gường đặc biệt này chỉ được phá bỏ khi họ có đứa con đầu lòng.
Đến nhà người Mông là khách hoặc bạn, bạn sẽ được mời ăn mèn mén cùng canh củ cải nấu thịt chuột. Chủ khách đề huề bên bát rượu ngô cùng những câu chuyện tắc lòng. Đêm đến, chủ nhà sẽ sửa soạn giường chiếu cho bạn nghỉ.
Ăn cơm nắm, tắm suối đầu năm
Vùng núi cao Tây Bắc, người Thái là cộng đồng khá bền vững cùng mật độ cư trú khá cao. Ngoài những phong tục như lồng tồng, nhẩy sạp... con gái Thái còn có riêng cho mình một văn hóa là tắm suối. Đây là lễ hay được tổ chức vào các ngày trọng đại như: Đón năm mới, mừng vào vụ....
Vào những ngày này, ngay từ tờ mờ sáng, bản trên, bản dưới, những người con gái Thái đến tuổi cập kê đều thức dậy chuẩn bị cơm nắm cho mình. Gạo ngon được vo đãi kỹ, ngâm cùng tro cây muối lam và lõi những cây bương rồi nướng tới vừa chín. Họ đem để nguội rồi lấy chỉ lanh cắt khúc bỏ vào túi thổ cẩm của mình.
Tắm suối đầu năm là nghi lễ quan trọng của những cô gái Thái.
Từng đoàn thiếu nữ từ 7 đến 10 cô vui vẻ nhảy chân sáo cắt rừng hướng về con suối to nhất lớn nhất trong bản. Khi bãi tắm được chọn, sau một hồi hàn huyên, ăn cơm nắm và sưởi nắng trên những mỏm đá họ đồng loạt cởi bỏ xiêm y xuống nước đùa giỡn. Ngâm mình trong nước, họ té nước vào nhau với mong muốn cho những tháng ngày mưa thuận gió hoà cùng với những vụ mùa bội thu.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Bắc Hà, thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hoặc tháng 1 năm sau. Người Dao đỏ ở Bắc Hà sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Khánh, Nậm Đét, Bản Liền, Cốc Lầu với nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp, song có lẽ Lễ cấp sắc vẫn là một trong những nghi lễ chính có giá trị nhân văn và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống riêng.
Theo truyền thống, người đàn ông dân tộc Dao phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Phẩm chất của họ được kiểm nghiệm thông qua lễ cấp sắc. Đàn ông người Dao sau thụ lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các cuộc cúng lễ của gia đình cũng như cộng đồng.
Họ quan niệm rằng, người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương. Lễ cấp sắc ở mỗi bậc cấp đều có những khác biệt nhất định trong trình tự hành lễ. Tuy nhiên, có 2 phần lễ chính là lễ quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu. Phần lễ tẩu Slai (lễ thăng cấp) gồm: Lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình.
Lễ cấp sắc của người Dao có giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.