Nghịch cảnh lên thành phố lập nghiệp

Linh Chi 17/03/2018 10:20

Trong sự kiện từng được mô tả là làn sóng di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại, hàng trăm triệu người dân đến từ các vùng nông thôn của Trung Quốc đã chuyển tới các thành phố lớn. Nhưng hành trình này hóa ra lại không khiến họ hạnh phúc hơn.

Nghịch cảnh lên thành phố lập nghiệp

Người lao động ở Bắc Kinh xếp hàng lên tàu về quê nhân dịp Tết Nguyên đán 2018 (Nguồn: Bloomberg).

Tìm cơ hội ở thành phố lớn

Một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy những người chuyển từ các ngôi làng nhỏ tới thành phố lớn ở Trung Quốc để kiếm việc làm thường có mức thu nhập cao hơn, nhưng có chỉ số hạnh phúc thấp hơn so với những người lựa chọn ở lại nông thôn.

Theo tác giả nghiên cứu John Knight, giám đốc Trung tâm phân tích nghèo đói và là giáo sư thuộc ĐH Oxford, thực tế trên đã cho thấy “một vấn đề xã hội đáng chú ý”, chỉ ra vấn đề thường thấy ở các nước đang phát triển trên khắp thế giới.

Vậy tại sao có quá nhiều người chuyển tới thành phố dù họ không hạnh phúc hơn? Do ước mơ của họ quá phi thực tế, hay thiếu khả năng thực hiện mong muốn của mình?

Do công việc mới không thỏa mãn được họ hay chính các thành phố lớn khiến họ cảm thấy nghèo hơn dù cho thu nhập tăng...? Lý do có thể là tất cả những điều trên.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao những người này không trở lại vùng nông thôn sau khi vỡ mộng lập nghiệp trên thành phố?

Theo kết quả trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới thường niên của LHQ, mức thu nhập trung bình của những người di chuyển tới thành phố cao gấp 2,39 lần so với người ở khu vực nông thôn.

Những người sống lâu năm ở thành phố, sở hữu hộ khẩu, còn có mức thu nhập cao hơn nữa.

Nhưng đến khi những người này được hỏi rằng họ hạnh phúc ở mức nào nếu được cho thang điểm từ 0 (không hạnh phúc chút nào) cho đến 4 (rất hạnh phúc), thì câu trả lời rất khác nhau.

Theo Báo cáo của LHQ, nhóm người hạnh phúc nhất ở Trung Quốc lại chính là những người lựa chọn ở lại vùng nông thôn - mức điểm trung bình 2,7 - trong khi những người sống ở thành phố chỉ có mức điểm 2,5 và những người di dân lên thành phố thì dưới 2,4 điểm.

Một phần nguyên nhân của sự kém hạnh phúc trên nằm ở vấn đề kinh tế và phân biệt đối xử.

Ở Trung Quốc, người dân nông thôn chuyển lên thành phố kiếm việc vẫn không thể thay đổi sổ hộ khẩu của họ, và bởi vậy khi đi xin việc ở thành phố, họ khó có thể tiếp cận được các công việc tốt, dịch vụ công như giáo dục và y tế...Nhiều người đã buộc phải bỏ lại con cái ở vùng quê, để bậc ông bà chăm sóc.

Theo Báo cáo của LHQ, nhiều người di dân lên thành phố nói rằng họ cảm thấy bị phân biệt trong môi trường lao động và cảm thấy cuộc sống không được đảm bảo.

“Nhiều người tham gia thăm dò nói rằng họ cảm thấy cuộc sống khó khăn và bấp bênh, điều đó ảnh hưởng tới chỉ số hạnh phúc của họ” - Báo cáo trên nêu rõ.

Chỉ số hạnh phúc giảm dần

Theo ước tính của LHQ, có khoảng 225 triệu nhân công Trung Quốc có hộ khẩu ở vùng nông thôn, nhưng làm việc trên thành phố trong năm 2015, tăng từ con số 125 triệu trong năm 2005.

Một phần lý do những người này chuyển lên thành phố kiếm việc một phần do có kỳ vọng quá cao ở cuộc sống đô thị.

Khi đã chuyển tới sống ở thành phố, kỳ vọng của họ càng tăng cao hơn, trong khi lại thiếu khả năng hiện thực hóa chúng.

Dù cho có mức thu nhập cao hơn hẳn, nhưng 2/3 số lao động nông thôn lên thành phố,khi trả lời thăm dò, nói rằng họ không hài lòng với mức thu nhập hiện tại.

Phần lớn số lao động này cũng không còn đường trở về quê hương lập nghiệp.

Nhiều người nói rằng để có tiền lập nghiệp trên thành phố họ đã phải bán nhà cửa, đất đai, ruộng vườn...

Những người khác cho rằng một khi đã quen với mức thu nhập cao và cuộc sống tiện nghi ở thành phố, họ sẽ không thể trở lại với vùng nông thôn vốn thiếu thốn và có mức thu nhập không ổn định.

Theo Báo cáo của LHQ: 56% số lao động Trung Quốc di dân lên thành phố cảm thấy ít hanh phúc hơn so với cuộc sống trước đây ở nông thôn, 41% nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc ngang bằng lúc ở nông thôn và chỉ 3% nói rằng họ hạnh phúc hơn với cuộc sống thành thị.

Trong bản báo cáo về chỉ số hạnh phúc mà LHQ công bố hồi năm ngoái, trong khoảng thời gian 1/4 thế kỷ qua, mức thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần, nhưng chỉ số hạnh phúc lại giảm mạnh từ năm 1990 đến năm 2005.

Trung Quốc năm nay được xếp vị trí thứ 86 trên tổng số 156 quốc gia xét về chỉ số hạnh phúc của người dân.

Linh Chi