Bộ Công an thông tin chính thức vụ ‘Phá đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng’
Ngày 17/3, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an phát đi thông báo chính thức về những kết quả điều tra ban đầu vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan tới nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa.
Từ trái qua, ông Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Theo đó, sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc”, nhiều tờ báo trong nước liên tục đưa tin về vụ án.
Tuy nhiên, nhiều thông tin đăng tải không chính xác về quá trình điều tra, kết quả điều tra ban đầu của vụ án, gây dư luận phức tạp.
Bộ Công an chính thức thông báo thông tin ban đầu về vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”.
Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến qua hình thức cá độ hoặc trò chơi có tính chất cờ bạc (còn gọi là game bài).
Trong số các game bài, nổi cộm nhất là Rikvip, sau đổi tên thành Tip.club, với tổ chức tinh vi, quy mô hoạt động lớn, thu hút hàng nghìn tỉ đồng và hàng triệu con bạc tham gia đánh bạc.
Game bài Rikvip bắt đầu hoạt động từ ngày 18/4/2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn; từ tháng 8/2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại và máy tính.
Để tham gia, con bạc tạo tài khoản và nạp tiền mua điểm ảo trong game, gọi là RIK, thông qua nạp thẻ viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone), nạp thẻ game (Zing, Gate, Vcoin, Megacard, GoCoin, Vcard), nạp từ tài khoản ngân hàng hoặc mua trực tiếp qua hệ thống đại lý.
Sau khi thắng - thua, con bạc có thể quy đổi RIK thành tiền, thông qua bán cho đại lý hoặc hiện vật có giá trị là mã thẻ viễn thông, mã thẻ game, nạp tài khoản điện thoại, thông qua các cổng trung gian thanh toán.
Để con bạc nạp tiền chơi bạc, các đối tượng tổ chức đường dây đã thông qua các pháp nhân do chúng lập ra hợp tác với các cổng trung gian thanh toán (VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT và Giải trí số) để con bạc có thể sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào game bài (gọi chung là “gạch thẻ”); hợp tác với Cổng thanh toán quốc gia NAPAS để con bạc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng; phát hành thẻ game Vcard và Gocoin để con bạc nạp tiền chơi bạc.
Các đối tượng còn lập ra hệ thống đại lý nhiều cấp, gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.852 đại lý cấp 2, trên toàn quốc để con bạc nạp, rút tiền chơi bạc; việc giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua ngân hàng.
Với mạng lưới trên toàn quốc, hệ thống đại lý đã góp phần rất lớn trong việc thu hút con bạc và là một kênh giao dịch chiếm tỉ trọng lớn (đại lý cấp 1 có tổng lượng giao dịch lớn nhất lên đến trên 1.700 tỉ đồng).
Do có hệ thống thanh toán giúp con bạc dễ dàng nạp và rút tiền chơi bạc, kết hợp quảng cáo rầm rộ trên mạng, Rikvip/Tip.club đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người chơi, trở thành trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, từ 18/4/2015 đến 29/8/2017 có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/Tip.club (nếu trung bình 01 con bạc có 03 tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc).
Trước thực trạng này, từ tháng 7/2016, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung công tác nghiệp vụ điều tra, xác minh và xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây tổ chức đánh bạc quy mô lớn trên không gian mạng, trong đó có Rikvip/Tip.club.
Quá trình đấu tranh chuyên án đã thu thập được nhiều tài liệu phản ánh hoạt động của đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip và các đối tượng liên quan, tháng 8/2017, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo chuẩn bị phá án.
Trong thời điểm này, Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành điều tra vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn Phú Thọ và áp dụng biện pháp tố tụng đối với một số đối tượng liên quan đến đại lý cấp 1 nằm trong chuyên án của Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để phá án và đã quyết định giao Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Từ ngày 29/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt tiến hành các biện pháp tố tụng đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club.
Do vụ án có quy mô đặc biệt lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, quá trình điều tra vụ án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành tư pháp Trung ương, liên ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ, với tinh thần điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Ngày 11/3/2018, Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo Ban Bí thư về vụ án và xin ý kiến về việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong quá trình điều tra đủ căn cứ xác định liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư, cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hóa về hành vi tổ chức đánh bạc.
Qua quá trình điều tra đến nay đã xác định: Đường dây tổ chức đánh bạc này do Phan Sào Nam (39 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC online), Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Hoàng Thành Trung (40 tuổi, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, nguyên Giám đốc Công ty VTC công nghệ và nội dung số - VTC Intecom) bàn bạc thực hiện. Trong đó, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương có vai trò chủ mưu, cầm đầu; Hoàng Thành Trung có vai trò thực hành.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội của Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung và Nguyễn Văn Dương có sự giúp sức tích cực của nhiều đối tượng. Tại Công ty CNC gồm Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc), Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán), Phạm Tuấn Anh (Trưởng phòng kỹ thuật vận hành), Đoàn Thị Thu Hà (Kế toán), Hoàng Đại Dương (nhân viên Công ty UDIC của Nguyễn Văn Dương)… Tại Công ty VTC online gồm Lê Văn Kiên (Kế toán trưởng), Phan Anh Tuấn (Phó Giám đốc công nghệ)…
Tại Công ty Nam Việt gồm Đỗ Bích Thủy (Giám đốc), Phan Thu Hương (thành viên góp vốn, dì ruột của Phan Sào Nam), Kim Thanh Thủy (Trưởng phòng Core), Phạm Trọng Tài (Trưởng phòng Mobi), Nguyễn Việt Cường (lập trình web), 25 đại lý cấp 1…
Ngoài ra, còn có sự giúp sức tích cực của Lê Thị Lan Thanh và một số đối tượng thuộc Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí số Việt Nam trong việc cung cấp cổng thanh toán và mua bán hóa đơn trái phép để hợp thức tiền thu lợi bất chính từ “tổ chức đánh bạc”.
Tính đến ngày 14/3/2018, Cơ quan điều tra đã khởi tố 83 bị can, trong đó một số bị can bị khởi tố 2 tội danh, gồm 41 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can về tội đánh bạc, 4 bị can về tội mua bán hóa đơn trái phép, 2 bị can tội rửa tiền và 1 bị can tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can, truy nã 8 bị can đang bỏ trốn.
Tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý.
Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%.
Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỉ đồng.
Số tiền 9.583,2 tỉ đồng thu được qua các cổng thanh toán sẽ được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức (Dương, Nam, Trung, bao gồm cả chi phí vận hành và một phần nhỏ hạch toán vào các pháp nhân CNC, VTC online, Nam Việt) và trả thưởng cho con bạc.
Trong đó ước tính: Doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng); nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng; 2.645 tỉ đồng trả thường cho con bạc.
Sau khi chiếm hưởng, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…
Hiện Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật.
Đến nay, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá 1.238,8 tỉ đồng (gồm 1.046,2 tỉ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỉ đồng) và 12 xe ô tô (chưa định giá).
Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ chức năng của Bộ phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra và mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng truy nã, thu hồi tài sản do phạm tội mà có và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có liên quan đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục điều tra, xử lý các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến khác.
Bộ Công an yêu cầu các bị can và những người có liên quan đang lẩn trốn sớm ra trình diện để được hưởng khoan hồng; đề nghị người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến dưới mọi hình thức, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
*Vụ án cho thấy lỗ lổng lớn trong quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game, hoạt động trung gian thanh toán.
Qua điều tra đã cho thấy, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào.
Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%.
Lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ.
Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài.
Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.
Việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn lỏng lẻo, các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet, IP, tên miền, kể cả tên miền quốc gia (.vn) từ các doanh nghiệp trong nước (VNPT, Viettel, Công ty cổ phần Mắt Bão, Công ty GMO Runsystem…); dễ dàng thuê các đầu số tổng đài của FPT để “chăm sóc khách hàng” và sử dụng dịch vụ nhắn tin thương hiệu của Công ty cổ phần truyền thông VMG để quảng bá Rikvip/Tip.club qua tin nhắn.
Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đồng thời, đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.