Bé chào đời bị gãy xương đòn, cha mẹ đổ lỗi oan cho bác sĩ
Trẻ gãy xương đòn sau sinh nhiều khi không có lý do, thường tự lành không di chứng song nhiều phụ huynh cho rằng lỗi do bác sĩ đỡ đẻ.
Trẻ sinh thường có tỷ lệ gãy xương đòn cao hơn trẻ sinh mổ. Ảnh minh họa: VnExpress.
Chào đời được một ngày thì con trai khóc nhiều, bú kém, hơi sốt khiến chị Hà (TP HCM) hoảng hốt. Khi mang đi kiểm tra, bác sĩ kết luận bé bị gãy xương đòn. Lo cho con, cho rằng y bác sĩ đỡ đẻ không khéo, mạnh tay làm gãy xương cháu nên gia đình chị đến gặp bác sĩ bày tỏ bức xúc.
"Bé chào đời chưa động chân động tay gì mà đã gãy xương, ai cũng nghĩ khả năng là do lúc bác sĩ hoặc nữ hộ sinh kéo bé từ trong bụng mẹ ra quá mạnh tay, hoặc bất cẩn lúc tắm bé", chị Hà bày tỏ. Sau khi được bác sĩ giải thích và nhìn bé hồi phục, không để lại dị tật như lo ngại, chị và gia đình mới thở phào.
Bác sĩ Tô Hoài Thư, Phó Khoa Sanh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết tỷ lệ gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh trên thế giới chiếm 0,5-1,6%, tại Bệnh viện Từ Dũ năm 2017 khoảng 0,4%. Tình trạng gãy xương đòn thường gặp ở các trường hợp sinh con to, sinh khó, nhiều khi không rõ lý do... và cả trong sinh mổ. Trẻ sinh thường có tỷ lệ gãy xương đòn cao hơn trẻ sinh mổ.
Trường hợp gãy xương đòn có di lệch xương, bác sĩ có thể phát hiện bất thường lúc trẻ chào đời. Những trẻ gãy không di lệch, việc phát hiện sẽ khó hơn. Đa số trẻ khó chịu, quấy nhiều, nhân viên y tế chăm sóc phát hiện các dấu hiệu không bình thường, bác sĩ sơ sinh kiểm tra và tiến hành chụp X-quang để xác định.
Theo bác sĩ Thư, phần lớn gãy xương ở em bé sẽ tự lành sau khoảng 2 đến 4 tuần, hầu như không để lại di chứng về sau. Việc điều trị rất đơn giản và dễ dàng, có thể chỉ cần để trẻ nằm ngửa, chăm sóc nhẹ nhàng cũng đủ giúp lành xương mà không cần can thiệp gì thêm.
Một vài trường hợp bác sĩ có thể cho trẻ đeo nẹp số 8, đai cố định tay giúp trẻ đỡ đau. Vì xương đòn có nhiều máu nuôi rất dễ lành và ở trẻ con thì xương mau lành hơn người lớn.
“Phụ huynh không nên hốt hoảng, cần bình tĩnh và yên tâm vì cơ thể em bé sẽ tự sửa chữa, tình trạng gãy sẽ mau lành, không nguy hiểm”, bác sĩ Thư chia sẻ. Việc gãy xương có thể không có lý do, phụ huynh không nên căng thẳng tự trách mình hoặc đổ lỗi cho y bác sĩ bất cẩn gây nên tình trạng của bé.