Trải nghiệm Hà Giang
Tôi đã thực hiện lời hứa viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, đặt chân lên cột cờ Lũng Cú và những địa danh của vùng Cực Bắc: Mèo Vạc, Mã Pì Lèng, Đồng Văn...Bởi có hẹn nên hoa đào vẫn nán lại chờ tôi, dù đã gần cuối tháng 3. Những nụ, những hoa vẫn rạng ngời trong nắng, giữa điệp trùng đá xám, quên cả “mùa xuân đã cạn ngày”...
Một ngôi nhà đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Du lịch Hà Giang quả thật không dành cho những du khách lười biếng, muốn nhàn tản ngắm thiên nhiên tươi đẹp mà dành cho những ai dũng cảm, muốn có những trải nghiệm thật đặc biệt với không ít lần phải thót tim trên những cung đường hiểm trở vào bậc nhất của Việt Nam. Hành trình của chúng tôi từ Hà Nội đến điểm cuối cùng là Mèo Vạc là khoảng 500km, trong đó đoạn từ Hà Nội đến TP Hà Giang hơn 300 km khá dễ dàng. Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nơi an nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trang nghiêm, yên tĩnh mà không hề u ám, những ngôi mộ thẳng hàng tăm tắp tựa như những người lính trong cuộc duyệt binh cuối cùng.
Sau điểm dừng tâm linh đó, tất cả sự hấp dẫn của du lịch Hà Giang đều nằm ở 200 km còn lại. Con đường ngoằn ngoèo bám vào vách núi và chênh vênh miệng vực nối 4 huyện vùng cao của Hà Giang ấy có một cái tên mà bất kỳ ai cũng muốn được đặt chân tới, con đường Hạnh phúc. Cách đây gần 60 năm, con đường huyền thoại này được mở ra từ bàn tay và dụng cụ thô sơ của 2.300 TNXP và dân công các địa phương. Trong suốt 6 năm bền bỉ đục từng vỉa đá, 14 TNXP đã nằm lại dọc đường. Đi trên con đường Hạnh phúc những ngày này, du khách sẽ thấy cụm Tượng đài tưởng niệm TNXP mở đường đang được xây dựng tại thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng, thuộc huyện Mèo Vạc.
Để an tâm vượt qua những con dốc “có một không hai” như đèo Mã Pì Lèng, dốc Chín Khoanh, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, đèo Cán Tỷ…chúng tôi chọn phương án thuê lái xe địa phương, anh Đỗ Văn Định, người có thâm niên lái xe trên cung đường này, tới mức thuộc từng ổ gà, thuộc từng khúc ngoặt. Ấy vậy mà, con đường hiểm trở đến nỗi, nhiều lúc tôi phải nhắm nghiền mắt, không dám nhìn xuống vực sâu hun hút. Nhưng rồi, những cảnh sắc thiên nhiên lướt qua cửa kính khiến tôi không hề hối hận khi đã chọn chuyến đi này, nhất là khi lọt hẳn vào công viên đá Đồng Văn với những vườn đá, rừng đá vô cùng ngoạn mục.
Và suốt cả hành trình, những dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau tạo cho cao nguyên đá Đồng Văn một sự uy nghi hùng vĩ. Trong miệt mài đá xám, những vạt hoa cải rực vàng chân núi, những mái nhà rêu phong yên bình trong thung lũng, và đặc biệt, những cây đào nở muộn, những cây lê, cây mận trổ hoa trắng muốt lại thi thoảng hiện ra như phần thưởng bất ngờ dành cho du khách. Nếu đi vào tầm tháng 10, đúng mùa lúa chín, phần thưởng sẽ lại là những cánh ruộng bậc thang vàng óng vòng tay ôm vào vách núi, hay đi vào tháng 11 sẽ là những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài ven đường.
Một trong những điểm dừng chân được nhiều người yêu thích là nhà của Pao, nằm ở Thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, ngôi nhà truyền thống của dân tộc Mông được xây dựng cách đây 80 năm được chọn làm địa điểm đóng bộ phim “Chuyện của Pao”, đã đoạt giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006. Cổng vào nhà Pao được làm bằng gỗ, chân cột và tường rào bằng đá, mái ngói âm dương phủ kín màu thời gian. Cách nhà của Pao không xa là khu dinh thự Vua Mèo, hay còn gọi là Nhà Vương. Toàn bộ Nhà Vương có diện tích gần 3.000 m2, quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
Nhà Vương gồm nhiều toà ngang dãy dọc với tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn. Một dinh thự giàu có nhất vùng Tây Bắc, từng tấp nập người ăn kẻ ở giờ đây chỉ còn lại xác nhà. Người hướng dẫn viên khu Nhà Vương, cũng là một con cháu của Vua Mèo cho biết, trong loạn lạc của cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, mọi tài sản của ngôi nhà này đã bị mất hết, thậm chí nền nhà cũng đã bị phá huỷ để tìm tài sản chôn giấu.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến phố cổ Đồng Văn. Thị trấn Phó Bảng giờ tấp nập du khách, các công trình phục vụ du lịch mọc lên như nấm khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối vẻ xinh đẹp yên bình đã phôi pha từ lúc nào. Nhưng đằng sau những hào nhoáng xa lạ, vẫn còn thấp thoáng những hàng rào đá ôm lấy những ngôi nhà tường trình cũ kỹ đã đứng đó hàng thế kỷ. Ở phiên chợ Đồng Văn đầy ắp hàng hoá từ các nơi đổ về, phần lớn là hàng Trung Quốc, nhiều du khách nước ngoài vẫn vô cùng thích thú với hình ảnh những người phụ nữ Mông, Dao cắp vào nách một chú gà, vài mớ rau đi bán.
Ở góc chợ vẫn có những chàng trai người Mông khề khà bên chén rượu và bát thắng cố nóng hổi. Ở phố cổ Đồng Văn này, hầu như quán ăn nào cũng có một món đặc sản là cải cay, loại cải được người Mông trồng ở những vạt đất hiếm hoi len lỏi trong cao nguyên đá. Tuy nhiên, “bí kíp” của món ăn này nằm ở khâu chế biến, sau khi trần nước nóng già cho rau tái đi thì phải chắt hết nước, đậy vung để qua đêm rồi mới xào. Lúc này màu cải không còn xanh mướt nữa mà chuyển sang màu nâu vàng, vị đắng của cải cũng biến mất, chỉ còn vị ngọt đậm và đặc biệt là trở nên cay nồng, xộc lên mũi, đúng như vị mù tạt.
Có lẽ ấn tượng nhất của hành trình chính là đoạn cuối cùng, từ Đồng Văn lên Lũng Cú, Mèo Vạc, đoạn đường chỉ 30-40km mà mất hơn 3 giờ. Thế nhưng bù lại, chúng tôi đã có những giây phút lặng người, thấy tim mình đập thổn thức khi đứng ở cột cờ Lũng Cú, hay cảm giác choáng ngợp khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn.
Trước khi rời Hà Giang, chúng tôi có cơ hội gặp chị Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch và được chị chia sẻ, so với nhiều địa phương khác, Hà Giang vẫn còn giữ được cơ bản những nét đẹp nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên và nét đặc sắc của văn hoá bản địa, đó là điều hấp dẫn nhất đối với du khách. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, dù phát triển và bảo tồn luôn là bài toán khó giải nhưng Hà Giang sẽ luôn giữ quan điểm, dù phát triển thế nào cũng không được làm mất đi những nét hấp dẫn vốn có đó. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu để đầu tư vào du lịch Hà Giang. Tuy nhiên, khi chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách tỉnh Hà Giang vẫn nương theo một cách hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Hoài Dương