'Giải pháp tấm lòng'

Cẩm Anh 20/03/2018 08:30

Các cuộc kêu gọi giải cứu nông sản, mà gần đây nhất là câu chuyện củ cải, su hào ở Mê Linh (Hà Nội) cho thấy một tâm lý xã hội chưa quen với quy luật của kinh tế thị trường. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đạt tới đáy vào năm 2013, trước rất nhiều ý kiến lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam, khi chúng tôi tới phỏng vấn, một chuyên gia kinh tế đã trả lời: Được "ốm" cùng nhân loại là một may mắn, nó chứng tỏ ta đã có nền kinh tế thị trường và đã hội nhập.

'Giải pháp tấm lòng'

Củ cải bị vứt bỏ trên cánh đồng.

Nhắc lại ý kiến này để thấy trong câu chuyện này để thấy trong câu chuyện nông sản cũng vậy, sản phẩm nông nghiệp cũng được điều tiết bằng quy luật cung- cầu mà giải pháp để tháo gỡ không phải bằng sự thương cảm.

Có câu chuyện được một chuyên gia kể lại: Cách đây khoảng hơn 20 năm, khi các nước châu Á đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong một buổi họp có cả các bộ trưởng và các nhà khoa học, GS Đào Xuân Sâm đã kêu lên: Các đồng chí ơi, xung quanh người ta “sốt” hết cả rồi mà chúng ta không “sốt” lên được.

Khi kể lại chuyện này, vị chuyên gia có bình luận: Thời kỳ đầu hội nhập ấy chúng tôi chỉ mong được “ốm” cùng nhân loại về mặt kinh tế. Chỉ nguyên việc “ốm” cùng với nhân loại đã là một “vinh dự”. Nó là dấu hiệu phản ánh nền kinh tế của ta đã hội nhập.

Có nghĩa là khi chúng ta đã hội nhập, đã có nền kinh tế thị trường thì giá cả của bất cứ loại hàng hoá nào, kể cả nông sản, cũng được quyết định bởi chợ - tức là nơi tiêu thụ. Dưa hấu, thanh long, thịt lợn hay bây giờ là củ cải, xu hào cũng vậy, cũng phải bị quyết định số phận trôi nổi theo qui luật cung - cầu.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế đang được vận hành theo đúng qui luật như vậy thì sản xuất nông nghiệp lại vẫn trong tâm trạng trông chờ và phụ thuộc. Nguồn cung không ổn định, nguồn cầu càng không dự tính được. Năm nay loại nông sản này được giá thì đổ xô trồng, năm khác ế thừa mất giá thì phá bỏ...

Cụ thể hiện nay ở một xã ở Mê Linh đang có khoảng hàng nghìn tấn củ cải được trồng trên diện tích khoảng 80ha đang bị ứ đọng chưa tiêu thụ được.

Điều đáng nói ở đây là vấn đề ứng xử đối với tình trạng này. Ở đây chúng tôi không cho rằng xã hội thương xót người nông dân bằng cách hô hào kêu gọi nhau “giải cứu” dưa hấu, thịt lợn, hành tỏi, củ cải, su hào... là sai. Nhưng tâm lý nặng thời “bao cấp” tới mức ngay cả trong cuộc họp của các cơ quan chức năng của ngành công thương Hà Nội bàn việc “giải cứu” củ cải vừa rồi có cả mục sẽ gửi công văn tới các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân tiêu thụ là không thích hợp với kinh tế thị trường. Một giải pháp mà có lần trong một cuộc họp Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gọi là “giải pháp tấm lòng”.

Chúng ta sẽ “giải cứu” nông sản bằng “giải pháp tấm lòng” tới bao giờ nữa? Khi mà sự thực như câu chuyện củ cải hiện nay sự thua thiệt của người nông dân trồng cải (nếu có) không phải là do thiên tai bão lụt. Vì thế thay vì đưa ra “giải pháp tấm lòng” việc của các cơ quan nhà nước là nghiên cứu cho ra mô hình thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Khoán 10 trong nông nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Hợp tác xã kiểu mới hay mô hình công ty cổ phần trong nông nghiệp đang hình thành. Dần dần, khi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ trở thành một vòng tròn khép kín thì kể cả việc có bị thừa ế dẫn đến thua lỗ cũng là việc phải chấp nhận trong cơ chế thị trường. Để không thất bại người ta buộc phải nghiên cứu kỹ thị trường để có đầu tư cho trồng trọt chăn nuôi đúng hướng và ở một quy mô khác, không thể manh mún mãi được.

Càng ngày càng thấy chúng ta cần cấu trúc khu vực nông thôn theo đúng nghĩa một nền sản xuất nông nghiệp được vận hành theo cơ chế thị trường. Trong quá trình hội nhập, quản lý nhà nước là tạo ra cơ chế để thị trường điều tiết chứ không phải là việc trực tiếp nay bàn giải pháp tiêu thụ dưa hấu, mai là củ cải, ngày kia su hào...

Chính sách của Nhà nước dựa trên các tín hiệu của thị trường. Và để tránh thua thiệt cho nông sản, nông dân, chỉ có cách phải cải cách khu vực nông nghiệp. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì hiện nay những người sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ không kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu dùng, họ không chỉ gặp rủi ro về thị trường mà còn về tiêu chuẩn kỹ thuật, giống, chế biến, bảo quản... Vị thế định giá sản phẩm của họ trên thị trường cũng rất yếu, luôn bị chèn ép.

Cho nên cải tổ nền nông nghiệp là nhằm hạn chế những điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Cũng theo ông Võ Trí Thành, các cơ quan quản lý nhà nước không nên đề cập đến vấn đề “tình thương” mãi được, cũng không thể áp đặt cho thị trường. “Không thể lấy cảm xúc thay cho các hoạt động hiệu quả”.

Ngay cả đối với tâm lý xã hội hiện nay, chúng ta cũng không nên góp phần nâng sức cầu bằng tình thương, bởi vì đó không bao giờ là việc bền vững và lâu dài. Người nông dân cần được có lợi thế về qui mô sản xuất, họ cần được gắn kết với chuỗi cung ứng và có lợi thế trong việc phân chia lợi ích từ chính sản phẩm họ làm ra. Bởi vì nếu không, khi được giá thì tư thương hưởng lợi mà khi mất giá người nông dân phải chịu rủi ro.

Đã hơn 30 sau đổi mới phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, tiếp tục bán dưa hấu, củ cải “nhân đạo” như có đại biểu từng nói tại diễn đàn Quốc hội thì chúng ta sẽ hội nhập thế nào? Ngay cả truyền thông cũng đôi khi góp phần tạo nên một tâm lý xã hội chưa hoàn toàn chính xác trong một cơ chế được điều tiết theo qui luật thị trường bằng việc “tán dương” cho những “chiến dịch giải cứu” và các “giải pháp tấm lòng”.

Cẩm Anh