Vẫn cần chiến lược về tài nguyên nước
Ở Việt Nam, nhiều giải pháp lớn đã được xây dựng để gìn giữ nguồn nước, một tài sản vô giá. Tuy nhiên, tính đắc dụng hiện thời của giải pháp chưa nhiều, khi ô nhiễm, cạn kiệt, điều tiết nguồn nước đã vượt trên báo động đỏ.
Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người. Nguồn: baogiaothong.vn.
Ô nhiễm nước
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên từng nhận định, ô nhiễm nguồn nước là chủ để “cực nóng” ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi nhiều giải pháp cấp bách. Sử dụng và bảo vệ nguồn nước, không phải là tư duy của nguồn nước vô tận mà đã là sự định lượng có chủ đích. Điều kiện cần nhất chính là “chuyển thể” giải pháp sao cho hiệu quả, đặc biệt ở các địa phương đang có sự cộng dồn của biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
Trên thực tế, nhiều giải pháp tăng cường quản trị tài nguyên nước đã được xây dựng như chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước, chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn. Đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia…
Giải pháp là vậy nhưng thực hiện lại không đồng nhất, kém hiệu quả. Đơn cử như ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội. Chính quyền rõ ràng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến nguồn nước tại Thủ đô ô nhiễm, nhưng phương án xử lý mới chỉ dừng ở cảnh quan trong khi nguồn nước của sông, ao, hồ, thậm chí nước mặt, nước ngầm nhiều nơi trên địa bàn có nhiều hàm lượng nguy hại vượt ngưỡng, có nơi đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Hay vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đầu năm nay độ mặn 4% tiếp tục xâm nhập các tỉnh ven biển cách cửa sông từ 25 km đến 35 km. Nhiều địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, nhập mặn đã “ăn” vào nội địa trên 50km.
Nguy hại là vậy, nhưng còn đó tồn tại của vỡ đê, nạo hút luồng lạch trái phép chưa được xử lý. Như lũ lụt Tây Bắc, sự tàn phá cây rừng, khiến sự khốc liệt càng tăng cường, nguồn nước vì thế bị thay đổi. Hay, đập thủy điện khu vực phía Bắc mọc lên như nấm, khiến dòng chảy và chất lượng dòng chảy bị biến hình...
“Giải pháp bảo vệ và gìn giữ nguồn nước ở Việt Nam hiện nay mới chỉ là sự cấp bách nhất thời, thiếu sự tổng thể tạo nên sự bền vững. Điều này thể hiện ở kinh phí nhiều địa phương dàn trải, xử lý ngọn chưa tận diệt gốc. Qua khảo sát, tính duy ý trí của từng địa phương đang lấn át nhiều quy hoạch, giải pháp. Nếu so sánh Việt Nam với các nước khác trên bình diện phát triển tài nguyên nước, năng suất sử dụng nước, Việt Nam đang ở mức thấp trong khi mật độ sử dụng nước cho mục đích phát triển kinh tế lại ở hàng cao nhất” - TS Abedalrazq Khalil, chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Khai thác thiếu bền vững
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, đã đến lúc cần phải coi trọng nguồn tài nước như một phần quan trọng của sản xuất. Giá trị của nước là yếu tố cấu thành nên sản phẩm của các ngành kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Để đảm bảo mục tiêu sử dụng nước bền vững, nước cần được công nhận như một thứ hàng hóa kinh tế đầu vào có giá trị kinh tế trong mọi cạnh tranh.
Ngoài ra, với nguồn nước thải, cũng cần xem xét nghiêm túc đến những chi phí, tổn thất về môi trường nước do các hoạt động xả thải từ các hoạt động kinh tế, dân sinh trong nền kinh tế. Vấn đề nước thải phải được xem là một thành tố quan trọng của chu trình nước và cần được quản lý trong toàn bộ chu trình nước, từ việc khai thác nước ngọt, xử lý, phân phối, sử dụng, thu gom và sau xử lý để tái sử dụng cũng như bổ sung trở lại môi trường.
“Nguồn nước là loại vốn tự nhiên thuộc sở hữu chung, chính vì vậy nếu không phân định rõ quyền tài sản về nước, cũng như phân bổ lợi ích cho các bên liên quan một cách hợp lý, sẽ dễ dẫn đến xung đột về nguồn nước. Do vậy, khai thác sử dụng tài nguyên nước trước hết phải bảo đảm hiệu quả và công bằng”- PGS Chinh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay đang biểu hiện nhiều điểm thiếu bền vững từ sự thiếu hiệu quả và công bằng. Sự “độc quyền” ở những nơi cần nước, khiến nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm và quý giá trong khi nhiều nơi lại phung phí, không kiểm soát.
Đó là chưa kể, nhiều chính sách quản lý như thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước, giá và trợ cấp tiền sử dụng nước, phí bảo vệ tài nguyên đối với nước thải, bồi thường thiệt hại gây ô nhiễm nước... còn nhiều lỗ hổng và bất cập. Thị trường chưa phát huy được sự điều tiết. Nói cách khách, nước khi cần thì thiếu, khi chưa cần thì phung phí tới lãng phí. Nguồn nước sẽ không là vô tận, trong khi sự phát triển kinh tế đang cần thêm nhiều nguồn nước xanh quý giá.
Ngày Nước thế giới năm 2018 có chủ đề “Nature for Water” (Nước với thiên nhiên) sẽ được tổ chức ngày 22/3 tới đây trên toàn quốc với nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề về tài nguyên nước. Tổ chức diễu hành, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước. Phát động phong trào không lấn chiếm sông, hồ. Phát tờ rơi và chiếu phim tài liệu, phóng sự về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đây là một sự kiện quốc tế thường niên sẽ được Việt Nam tổ chức khẳng định tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước sạch, góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. |