Khó xử lý hàng tồn kho
Doanh nghiệp dệt may than thở, hàng tồn nhiều nên khó thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, theo Thông tư 21 của Bộ Công thương (được thực hiện từ ngày 1/5/2018).
Từ 1/5, sản phẩm dệt may phải dán tem CR.
Quy chuẩn – mở hay thắt?
Trước những khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra formaldehyt và amin thơm mà DN liên tục phản ánh, mới đây Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng này trong sản phẩm dệt may.
Quy chuẩn quy định, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không vượt quá 30 mg/kg đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi; 75 mg/kg đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da và ngược lại là 300 mg/kg.
Đối với hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30 mg/kg.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho rằng, sản phẩm dệt may là một trong những sản phẩm thiết yếu hàng ngày.
Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung, trong đó có cả cơ quan quản lý nhà nước.
Bàn về tính mở của quy định mới, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định: Trước đây việc kiểm tra mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được thực hiện theo hình thức tiền kiểm.
Tức là hàng hóa nhập khẩu có kết quả kiểm tra mới được thông quan đưa vào sản xuất.
Ở quy định mới này, cơ quan quản lý cho phép DN được công bố hợp quy với hai hình thức, đó là tự công bố hoặc dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức được chỉ định.
Cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm, kiểm tra hàng hóa khi trưng bày và tiêu thụ trên thị trường. Quy định mới bắt buộc, DN trước khi bán hàng hóa ra thị trường phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) theo quy định hiện hành.
Từ ngày 1/5, DN sẽ phải thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Trước thời gian áp dụng quy định mới, đa số DN cho rằng khó thực hiện vì quá gấp. Thậm chí, nhiều ý kiến khẳng định, Thông tư 21 này được Bộ Công thương ký ban hành từ ngày 23/10/2017 nhưng đến giờ DN mới biết.
Doanh nghiệp kêu khó
Đại diện một DN than phiền, sản phẩm của công ty có hạn sử dụng 3 năm. Hiện nay là tháng 3/2018 nhưng vẫn còn những sản phẩm tồn từ năm 2016, 2017.
Nếu thực hiện đúng quy định, phải thu hàng tồn để dán tem CR. Điều này vô hình trung mất thời gian và tốn chi phí.
Băn khoăn về hàng tồn khi quy định mới có hiệu lực, đại diện Tổng Công ty May Việt Tiến phân trần: “Công ty có 700 – 800 đại lý và còn hơn 3 triệu sản phẩm sản xuất theo quy chuẩn cũ.
Như vậy chúng tôi phải gom 3 triệu sản phẩm về dán tem CR cho cho đúng với thời hạn áp dụng. Điều này không dễ dàng chút nào”.
Nhìn chung DN cho biết, đối với sản phẩm tồn kho DN sẽ thực hiện đúng quy định dán tem CR. Với sản phẩm đang bày bán trên thị trường không thể thực hiện được.
Trước thắc mắc của DN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) khẳng định không khó để thực hiện.
“DN viện nhiều lý do khác nhau để kể lể khó khăn nhưng thực chất những DN lớn thường quản lý, đánh giá kỹ nguyên liệu đầu vào là vải và đầu ra thành phẩm. Đối với hàng tồn, hoàn toàn có thể xem lại để đánh giá phù hợp nhất. Chúng tôi không muốn đưa ra quy định mà không thể thực hiện được” - bà Phạm Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ nói.
Vụ Khoa học và Công nghệ nhận định, cơ quan quản lý cũng gặp khó. Trước đây, quản lỳ từ nhập khẩu đến thị trường DN kêu ca nhiều. Giờ chỉ kiểm tra ở thị trường (hậu kiểm) DN cũng than thở.
Thông thường mỗi khi áp dụng quy định mới đều khó khăn, lúng túng nhưng qua thời gian đầu mọi việc sẽ ổn.
Còn không có chuyện lùi ngày áp dụng vì có tiếp tục lùi DN vẫn không biết, không tìm hiểu, không thực hiện.
Thiết nghĩ, cần sự chia sẻ của các bên, đặc biệt nhà sản xuất.
Trường hợp, với sản phẩm đã sản xuất trước đó khó áp dụng thì các nhà sản xuất phải có thống kê cụ thể tồn bao nhiêu, ở đâu, ai quản lý.
Bộ - ngành quản lý cần những con số thống kê cụ thể, không thể nói chung chung.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, tồn nhiều có sản xuất nữa không là chuyện khác. Cơ quan quản lý rất cần con số từ lượng hàng tổn để có cách xử lý phù hợp nhất.
“Sắp tới Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyền truyền phố biến pháp luật đến cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN. Bộ Công thương xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời giúp DN chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng sản phẩm an toàn, chất lượng” - ông Nguyễn Anh Sơn giải thích thêm.