Còn nhiều thách thức với lao động trẻ
Đây là những vấn đề được các đại biểu đề cập tại Hội thảo Tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em do Bộ LĐTB&XH; tổ chức sáng ngày 21/3 tại Hà Nội.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ LĐTB&XH, cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, phổ biến ở độ tuổi 12 - 13 (chiếm 68,7%).
Trong đó, trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, còn lại ngành dịch vụ chiếm 16,6% và công nghiệp - xây dựng chiếm 15,8%.
Đáng chú ý số trẻ em có nguy cơ làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động độc hại là 1,3 triệu em (chiếm 75% lao động trẻ em).
Thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần. Song việc ngăn chặn và giảm thiểu vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay.
Theo các đại biểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em trong đó vấn đề kinh tế được xem là nguyên nhân chính đẩy trẻ em phải lao động sớm để phụ giúp gia đình.
Trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, chưa phổ biến được đầy đủ đến các địa phương.
Theo ông Ðặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LÐTB&XH), khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nhận thức của gia đình các em còn hạn chế.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng con mình giúp đỡ gia đình chứ không phải là lao động trẻ em, nên không bị cấm.
Làm cách nào để phân biệt trẻ em làm việc và lao động trẻ em? Trả lời câu hỏi này, ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, số giờ làm việc để phân biệt có phải là lao động trẻ em hay không sẽ được xét theo bối cảnh từng quốc gia.
Thực tế, để bảo vệ trẻ em đã có nhiều chính sách được ban hành đơn cử như: Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định là 8 giờ một ngày và 40 giờ mỗi tuần là thời gian tối đa trẻ em trên độ tuổi lao động tối thiểu được làm việc.
Với trẻ từ 13 đến 14 tuổi, luật pháp cho phép các em làm việc không quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần với điều kiện công việc đó là việc làm nhẹ nhàng.
Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 trong đó một trong những mục tiêu của chương trình là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời…
Tuy nhiên việc thực thi chính sách vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Theo các đại biểu, để hạn chế lao động trẻ em cần xác định rõ khái niệm thế nào là lao động trẻ em, để từ đó có những chính sách bảo vệ, can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Theo chuyên gia Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), việc tham gia lao động trẻ em đi liền với trình độ giáo dục thấp, sau đó dẫn đến các công việc không đáp ứng được yêu cầu căn bản về việc làm bền vững.
Trong đó các em bỏ học sớm thường ít có cơ hội được đảm bảo việc làm ổn định và có nguy cơ cao không tìm được việc làm; một tỷ lệ lớn thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi tại nhiều quốc gia đang làm công việc bị xếp vào loại độc hại hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; những em đang làm các công việc độc hại thường dễ bỏ học sớm trước khi đủ tuổi lao động tối thiểu.
Do đó cần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những khu vực lạc hậu, đói nghèo; nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật của những người sử dụng lao động là trẻ em.
Tăng cường truyền thông về những thiệt thòi cũng như hệ lụy nghiêm trọng từ việc sử dụng lao động trẻ em.