Tăng cường ứng phó tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục
Chiều 21/3 tại Hà Nội Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng với cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNOC) đã công bố kết quả nghiên cứu: “Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam”.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận công lý.
Ảnh minh họa.
Nhiều rào cản
Theo bà Anna – Karinjatfors, Phó giám đốc khu vực, Văn phòng UN Wonmen khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đây là nghiên cứu so sánh đầu tiên về tình trạng bỏ cuộc trong số các trường hợp trình báo về bạo lực tình dục tại châu Á, và cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó tại Việt Nam, nghiên cứu làm tại Hà Nội và Đắc Lắk. Tại Thái Lan nghiên cứu được tiến hành khảo sát tại Bangkok, Chiang Mai, Songkhla.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ trình báo các vụ việc về hiếp dâm tại Thái Lan và Việt Nam thường gặp phải những rào cản trong việc tiếp cận công lý, đó là những chính sách và thông lệ xã hội, pháp luật và thể chế quan trọng.
Những rào cản này, có thể gây cản trở cho việc trình báo về bạo lực tình dục và giảm khả năng mà phụ nữ theo đuổi tìm kiếm sự đền bù thông qua hệ thống tư pháp hình sự.
Ở cả hai nước, tình hình bỏ cuộc ở giai đoạn tiếp xúc ban đầu và giai đoạn trình báo là rất cao.
Nhiều nạn nhân bị bỏ rơi và bị thúc giục hòa giải hoặc các hình thức giải quyết khác bên ngoài hệ thống tư pháp hình sự chính thức.
Nạn nhân thường được yêu cầu kể lại câu chuyện của mình nhiều lần và bị đối xử thiếu tôn trọng và thiếu tế nhị. Công an có thể không lập biên bản vụ việc hoặc lập biên bản vụ việc nhưng không tiến hành điều tra, điều tra không đầy đủ hoặc trì hoãn điều tra.
“Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị hiếp dâm nhưng theo kết quả nghiên cứu cho thấy một số cán bộ làm công tác tư pháp ở cả hai nước có quan niệm cố hữu về việc thế nào mới bị coi là nạn nhân hiếp dâm.
Ví dụ họ cho rằng nạn nhân phải thể hiện sự sợ hãi, bất lực hoặc những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những nạn nhân kể lại kinh nghiệm của họ một cách bình tĩnh thì được cho là không đáng tin cậy” - bà Anna – Karinjatfors cho biết.
Đáng chú ý theo kết quả nghiên cứu, mặc dù điều tra về các vụ việc bạo lực tình dục là phức tạp và đầy thách thức, nhưng lại không có các đơn vị điều tra chuyên biệt nào, cán bộ tiếp nhận và điều tra viên được đào tạo rất sơ sài hoặc không được đào tạo chuyên biệt và phát triển chuyên môn.
Trong khi đó, thủ tục tố tụng của tòa án có thể rất lâu và kéo dài, và thường tập trung vào chứng cứ vật chất hoặc chứng cứ pháp y, hay dựa vào độ tin cậy đối với nạn nhân chứ không phải độ tin cậy của vụ việc hoặc yếu tố không có sự đồng thuận của nạn nhân.
Chính việc trì hoãn quá lâu làm cho nhiều nạn nhân phải nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.
Hoàn thiện hệ thống tư pháp
Theo nhóm nghiên cứu, bạo lực tình dục là một hiện tượng rất phức tạp có nguyên nhân sâu xa từ sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới và bất bình đẳng giới lâu dài trong lịch sử, những nguyên nhân không thể chỉ được giải quyết bởi mỗi hệ thống tư pháp hình sự.
Do đó cần coi nạn nhân là trung tâm của quá trình giải quyết và đảm bảo trách nhiệm giải trình của kẻ phạm tội là một phần thiết yếu trong việc phòng ngừa.
“Những lỗ hổng trọng yếu trong quá trình cung cấp các dịch vụ tư pháp lấy nạn nhân làm trung tâm được phát hiện ở tất cả các giai đoạn của hệ thống tư pháp hình sự. Chính vì vậy cần xây dựng và cung cấp dịch vụ tư pháp cụ thể có chất lượng nhằm giải quyết rào cản mà nạn nhân gặp phải khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự” – Báo cáo nghiên cứu đưa ra khuyến nghị.
Ông Nick Booth, Cố vấn của UNDP tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Quản trị công, Phòng ngừa xung đột, Tiếp cận công lý và Thúc đẩy nhân quyền khẳng định: Bạo lực tình dục là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất mà phụ nữ phải đối mặt và vấn đề này cần được ưu tiên trong hệ thống pháp luật.