'Nhiệt kế' của môi trường kinh doanh
Trong suốt chặng đường 13 năm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI thực hiện đã tạo nên những động lực mới, mang tính chất “chuyển lửa” trong điều hành kinh tế của các địa phương. Ai đó nói, PCI giống như chiếc nhiệt kế đo sự thăng trầm của môi trường kinh doanh, và với những con số được đưa ra trong báo cáo của PCI 2017, chiếc nhiệt kế đang phản ảnh rõ rệt nhất bức tranh môi trường kinh doanh thời gian qua.
Ông Vũ Tiến Lộc.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Những thông điệp “chuyển lửa”
Trong suốt hơn một thập kỷ thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 2005, PCI tự hào đóng vai trò là chiếc “hàn thử biểu” của năng lực điều hành kinh tế của các địa phương, là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, là bức tranh phản chiếu môi trường sinh thái cho khởi nghiệp ở Việt Nam trong con mắt của các nhà doanh nghiệp.
Báo cáo PCI hàng năm không chỉ chỉ ra những dư địa của cải cách, mà còn góp phần tổng kết và nhân rộng những mô hình và công nghệ cải cách cho các địa phương. Nhiều thực tiễn tốt trong cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương, qua các hoạt động của dự án PCI, đã được lan tỏa. Cải thiện chỉ số PCI đã không chỉ là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là mệnh lệnh cải cách của Chính phủ cho các địa phương, được chính thức ghi trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ.
Năm nay, chúng ta vui mừng đón nhận bức tranh PCI với nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình. Điều này, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.
Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Ý nghĩa lớn nhất của Báo cáo PCI hàng năm không phải là điểm số và càng không phải là thứ hạng, mà chính là những dư địa cải cách được gợi mở và những mô hình, công nghệ cải cách được tổng kết và chia sẻ. Cùng với việc công bố PCI hàng năm, VCCI đã có nhiều cố gắng hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình.
Sau hội nghị này, như thông lệ, các hoạt động tiếp nối cũng sẽ được triển khai, đặc biệt là phổ biến và nhân rộng những thực tiễn tốt ở các địa phương đi trước, ví dụ các mô hình: DDCI (Xếp hạng năng lực cạnh tranh các sở ban ngành, quận huyện); Nhất thể hóa hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; Chính quyền trực tuyến; Trung tâm hành chính công… Tiếp theo những mệnh lệnh hành chính và thông điệp “chuyển lửa” thì những mô hình và công nghệ cải cách như vậy sẽ có tác dụng thiết thực thúc đẩy cỗ xe cải cách ở các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Long.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Thước đo chính là sự hài lòng của doanh nghiệp
Suốt 10 năm qua, Quảng Ninh đã gắn bó với PCI một cách thực sự. Con đường chúng tôi đi đầy những thăng trầm nhưng cũng rất đáng tự hào. Trên con đường đó, chúng tôi luôn tự soi vào mình để nhìn nhận và tự sửa đổi, hoàn thiện bản thân. 7 chỉ số thành phần đánh giá PCI của Quảng Ninh đều tăng điểm trong năm 2017 so với năm 2016.
Cụ thể, tiếp cận đất đai tăng từ 6,07 lên 6,43 điểm, chi phí thời gian (6,86 lên 7,73 điểm), cạnh tranh bình đẳng (từ 5 lên 6,35 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (5,7 lên 6,41 điểm). Để có được vị trí quán quân ngày hôm nay cũng như đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng nói trên, trong nhiều năm liên tiếp, Quảng Ninh đã rất chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, tỉnh rà soát các biện pháp quản lý đã triển khai để nhận thấy những vấn đề chưa hài lòng của DN. Những vấn đề của tỉnh chưa đạt được sự đồng thuận của DN, chúng tôi đều tập trung giải quyết một cách triệt để với mục tiêu tạo thuận lợi và hài lòng nhất cho DN. Một giải pháp được Quảng Ninh triển khai hiệu quả đó là tỉnh mở fanpge DDCI để gia tăng sự tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền. Không chỉ cung cấp thông tin về chính sách, dự án… các fanpage này cũng là nơi thu nhận ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về cách thức điều hành, giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương, sở, ngành.
Trong chặng đường 10 năm gắn bó với PCI, Quảng Ninh gặp không ít thăng trầm. Năm 2007, tỉnh chỉ đứng thứ 58 trên cả nước. Nói như vậy để thấy rằng, những nỗ lực, kiên trì của tỉnh là rất đáng ghi nhận và tự hào. Bộ chỉ số PCI chính là thước đo, là thương hiệu của địa phương trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp tỉnh thu hút các nguồn lực đầu tư. Trên thang điểm chỉ số PCI, hiện Quảng Ninh mới chỉ đạt hơn 70 điểm, chặng đường đến thang điểm 100 vẫn còn rất dài. Như vậy, rõ ràng dư địa để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn rất lớn. Mục tiêu tiếp theo của Quảng Ninh là tiếp tục cải cách, đổi mới môi trường kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI): Tiếp cận đất đai khó khiến doanh nghiệp e dè đầu tư
Mặc dù đã có nhiều chỉ số môi trường kinh doanh tốt, có cải thiện nhưng báo cáo PCI 2017 vẫn cho thấy một số chỉ số chưa thực sự cải thiện trong 13 năm qua, trong đó phải kể đến chỉ số tiếp cận đất đai. Xu hướng đáng lo ngại trong năm nay là ở lĩnh vực tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất. Các DN được khảo sát cho biết, vấn đề lớn nhất không phải là thiếu quỹ đất sạch mà sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, DN gặp phải nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh (44% DN cho biết).
Khoảng một phần ba (32%) DN đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư. Cuối cùng, 1/4 các DN nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi. Vấn đề lớn nhất đó là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết (58%) và doanh nghiệp buộc phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ (47%).
Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp đang xấu đi, đạt 1,6 điểm trên thang 5 điểm, cho thấy mức độ rủi ro bị chính quyền thu hồi đất đối với doanh nghiệp ngày càng cao. Đây là mức điểm thấp nhất được ghi nhận trong 13 năm điều tra PCI. Tôi cho rằng, chính những lo ngại về đất đai sẽ có tác động tiêu cực đến đầu tư vì DN khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ rất dè dặt đầu tư trên khu đất mà họ biết rằng sẽ có thể bị thu hồi.