Sai một ly
Những vụ lùm xùm về bạo lực học đường trong những ngày qua còn chưa lắng xuống thì mới đây, dư luận xã hội lại tiếp tục phiền lòng khi chứng kiến hình ảnh hai giáo viên mẫu giáo đạp và xua đuổi một học sinh mới hai tuổi trong giờ nghỉ trưa được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo nội dung video, trưa 15/3, một bé trai 2 tuổi không chịu ngủ trưa, đi đến chỗ hai cô giáo đang nằm, quấy khóc. Lúc này, cô giáo mặc quần tối màu dùng tay ấn vào mặt, đạp và bế bé đặt ra góc. Lúc sau, bé trở vào đến chỗ cô giáo mặc quần sáng màu thì bị người này đạp hai lần khiến bé ngã lăn ra nền, khóc. Phát hiện sự việc qua camera quan sát gắn ở phòng học, phụ huynh đến trường phản ứng và đón con về.
Trong bản tường trình, cả hai cô giáo Trường mầm non tư thục Hoa Hồng (Bà Rịa - Vũng Tàu) thừa nhận hành động “dùng chân đẩy trẻ” là sai và mong được tha lỗi. Tuy nhiên, ban giám hiệu đã kỷ luật buộc thôi việc đối với cả hai cô.
Có thể nói, hình ảnh về người giáo viên trong thời gian gần đây bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những việc làm thiếu kiểm soát, thiếu tình thương và không nhân văn của một bộ phận giáo viên. Ngay cả việc cô giáo bị phụ huynh ép quỳ để “nếm” mệt và nhục ở Long An vừa qua cũng bắt nguồn từ việc làm chưa đúng của cô giáo khi bắt học sinh tiểu học quỳ suốt tiết chỉ vì vi phạm những lỗi nhỏ nhặt. Để thấy đằng sau những trấn thương vì bạo lực có rất nhiều sai lầm của người lớn.
Vẫn biết áp lực công việc giữ trẻ, chăm trẻ, dỗ trẻ, dạy trẻ hàng ngày của giáo viên là gánh nặng lớn. Nhưng liên tục những hành vi bạo hành trẻ em thời gian qua cho thấy lỗ hổng lớn trong cách quản lý của ngành giáo dục.
Áp lực, thiếu kinh nghiệm không thể là “bài ca” mà hết lần này đến lần khác các cô mang ra để biện hộ cho thái độ vô trách nhiệm và sự tàn ác vốn không thể có ở những người làm công việc nuôi dạy trẻ. Càng không đồng nghĩa với việc các cô có thể trừng phạt các cháu bằng sự tức giận, dọa nạt, hay xua đuổi.
Đã có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho hành động bạo hành học sinh. Nhiều người chứng kiến những gương mặt nhợt nhạt, đầm đìa những giọt nước mặt hối hận của các cô giáo có thể rộng lượng bỏ qua.. Nhưng cứ hình dung ra sự hoảng sợ khóc đến khản cổ, thậm chí thất kinh của trẻ nhỏ khi bị giáo viên dọa và bạo hành thì sự ân hận kia thật không đủ.
May mắn là cháu bé không trấn thương gì đáng tiếc, nỗi sợ hãi theo thời gian rồi cũng sẽ vơi đi nhưng sự ám ảnh chắc gì đã phai mờ. Theo các chuyên gia tâm lý, thời gian gặp gỡ, tiếp xúc giữa thầy cô và trẻ gần như diễn ra thường xuyên nên khi quá sợ thầy cô giáo, trẻ sẽ bị stress âm ỉ kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất sau này.
Dư luận lo ngại rằng những vụ việc nghiêm trọng được phanh phui có lẽ chỉ là bề nổi của thực trạng bạo hành trẻ. Thiết nghĩ, ngành giáo dục không thể để chậm hơn nữa việc chấn chỉnh tình trạng giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở mầm non công lập cũng như tư thục và có giải pháp hữu hiệu nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên.