Thủ tướng chia sẻ với người dân Hội An
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An phải nắm được những lợi thế, thời cơ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch năng động, giàu bản sắc hiện đại trong thời kỳ mới.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng Hội An phát triển bền vững và lấy văn hóa, con người làm nhân tố trung tâm quyết định trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Tối 24/3, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Hội An trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Quảng Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương đã đến dự.
Xây dựng thành phố sinh thái Hội An
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hội An đạt được trong 10 năm qua.
“Sau 43 năm ngày giải phóng Quảng Nam thân yêu, tôi rất vui mừng được trở về phố cổ Hội An xinh đẹp dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập TP Hội An, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, TP Hội An qua các thời kì, các đồng chí lão thành, các bà mẹ Việt Nam anh hùng” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, yếu tố lịch sử, địa lý… đã hình thành cho con người Hội An những đức tính đáng yêu, đáng quý. Người Hội An thay vì bế quan, tỏa cảng đã sẵn sàng mở cửa "đón gió muôn phương, biến nơi đây thành đất lành cho các loài chim di trú".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Xứ Quảng không chỉ phải vùng đất giàu truyền thống yêu nước, anh hùng truyền thống cách mạng mà còn giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di sản văn hóa. Quảng Nam là địa phương duy nhất trên đất nước ta có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
"Nhắc đến Hội An là nhắc đến hình ảnh một đô thị thương cảng quốc tế phồn thịnh, gắn về đa dạng về văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta".
Trong lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau và được nhắc đến trong con đường tơ lụa trên biển, Lâm ấp, Hội An… tấp nập giao thương thu hút nhiều tàu buôn của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha,… Chính sự hình thành phát triển thương cảng Hội An tạo ra diện mộ di sản văn hóa Hội An, đa dạng và phong phú đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất này, từng là nơi phát triển rực rỡ của các nên văn hóa lớn Sa Huỳnh, Chăm Pa,…
Với tiềm năng, lợi thế và uy tín của mình, Hội An cần khẳng định hơn nữa vai trò trong tam giác du lịch Huế - Hội An - Mỹ Sơn. Với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, Hội An hoàn toàn có thể bức phá, vươn lên mạnh mẽ hơn. Hội An cần phấn đấu trở thành đô thị cổ du lịch hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi, tiếp tục đổi mới toàn diện. Việt Nam là điểm đến an toàn của du khách, là nơi đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư trên thế giới.
Do vậy, một yêu cầu đặt ra với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An là vừa phải kế thừa có chọn lọc những tinh hoa, trí thức, tinh thần cách mạng, thành quả của các thế hệ đi trước đồng thời phải nắm được những lợi thế, thời cơ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch năng động, giàu bản sắc hiện đại trong thời kỳ mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho lãnh đạo UBND TP Hội An.
Để làm được điều đó, Hội An phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục xác định tài nguyên di sản, tài nguyên sinh thái là động lực phát triển của địa phương.
Trong cơ cấu kinh tế của Hội An, nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ - Thương mại là ngành mũi nhọn. Hội An cần chú trọng mối quan hệ liên vùng trong quá trình phát triển, tăng cường liên kết với các địa phương trọng điểm miền Trung, quyết tâm xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ Hội An xây dựng, trình duyệt quy hoạch chung phát triển đô thị Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đề án về cơ chế, chính sách đặc thù trong bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An để tạo cơ sở và động lực thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy Hội An phát biểu.
Hội An đẩy mạnh du lịch - dịch vụ
Đọc diễn văn tại buổi lễ ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết: Chặng đường 10 năm qua, trong bối cảnh đan xen giữa thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hội An đã phát huy ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt.
Năm 2017, Hội An đón 3,2 triệu lượt du khách, tăng gần 200% so với 10 năm trước và ngành Du lịch - Dịch vụ - Thương mại chiếm tỷ trọng 70% tổng giá trị sản xuất của thành phố là minh chứng cho sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch Hội An.
Hằng năm, Hội An đều liên tục xuất hiện trong tốp dẫn đầu các kết quả cuộc bình chọn của du khách khắp năm châu. Du lịch đã kích thích và thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu tại chỗ.
Các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ phát triển đa dạng, một số ngành công nghiệp sạch được lựa chọn kỹ; nông nghiệp chuyển dần theo hướng một nền nông nghiệp sinh thái phục vụ cho du lịch; từng bước phát triển kinh tế biển phù hợp.
Rất đông đảo cán bộ và nhân dân tham dự buổi lễ kỷ niệm.
Ngân sách nhà nước TP Hội An tăng thu hằng năm bình quân trên 20% và đến năm 2017 đã đạt mức 1.500 tỷ đồng. Bình quân hằng năm Hội An huy động nguồn vốn xã hội trong dân 2.500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sự nghiệp phát triển chung của thành phố.
10 năm qua, nhiều dự án có vai trò đặc biệt quan trọng được đầu tư xây dựng và hoàn thành đã mở rộng, gắn kết không gian phát triển Hội An, trong đó có công trình đột phá mang tầm thế kỷ là hệ thống đường dẫn và cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn, khai thông kết nối từ Đà Nẵng đến Quảng Nam - Quảng Ngãi…
Điều đáng mừng là đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Chênh lệch về mức sống giữa các khu vực dân cư ngày càng thu hẹp. Thu nhập bình quân đầu người của thành phố năm 2008 đạt mức hơn 17 triệu đồng, đến nay đã tăng lên hơn 40 triệu đồng.