Nhờ sức dân cả!

Nguyễn Chung 26/03/2018 10:00

Cách làm hay cộng với sự nhiệt huyết và tận tâm, ông Phạm Văn Nam - trưởng thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã góp phần đưa thôn 4 từ một thôn khó khăn chồng chất, “bết bát” nhiều mặt trở thành thôn Nông thôn mới đầu tiên của xã.

Nhờ sức dân cả!

Ông Phạm Văn Nam (đứng giữa) bên hố chứa rác thải trên đồng.

Nói về thành tích xây dựng nông thôn mới (NTM) của thôn, ông Nam chỉ đúc kết bằng một câu khá ngắn gọn: “Nhờ sức dân cả!” Theo ông Nam, để đi đến thành quả hôm nay, tất cả đều dựa vào sự đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương của tất thảy bà con trong thôn.

Xây dựng NTM của thôn 4 là một câu chuyện khá dài. Ông Nam kể: Năm 2010, ông được bà con trong thôn 4 tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Ngày ông “nhậm chức” cũng là thời điểm thôn 4 đang ở trong tình trạng khó khăn bủa vây tứ bề. So với 9 thôn còn lại của xã, thôn 4 phải đứng đến thứ…8. Không đường bê tông nội thôn, đường làng lầy lội, nhếch nhác, không điện chiếu sáng ngõ xóm, không nhà văn hóa...

Thực ra, không phải vì các lớp cán bộ đi trước không tâm huyết, trách nhiệm với công việc mà vì khó khăn nhiều quá, không biết bắt đầu từ đâu, cái khó nó bó lấy cái khôn. Làm thế nào để thôn thay đổi, là câu hỏi tưởng như không có lời giải. “Tôi nghĩ, mấu chốt vấn đề chính của thôn 4 vẫn là đất rộng và dân cư đông quá, khó quản lý và triển khai chủ trương, chính sách đến với người dân. Cách duy nhất để thúc đẩy phát triển chỉ có thể là chia nhỏ thành các khu dân cư mới có thể triển khai các chương trình, kế hoạch của thôn”- ông Nam nhớ lại.

Nghĩ là làm. Việc đầu tiên ông bắt tay vào làm là chia thôn 4 thành 10 cụm dân cư. Mỗi cụm lại để người dân tự bầu ra một người có uy tín làm trưởng cụm. Từ các trưởng cụm này, các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến gần dân hơn. Đặc biệt, từ cách chia cụm để vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, ông Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa thi đua giữa các cụm với nhau. Về việc bê tông hóa đường giao thông nội thôn, sau khi thống nhất chủ trương với chính quyền xã, ông cho các cụm dân họp bàn, từ đó người dân tự thống nhất cách đóng góp, huy động kinh phí, nhân công để làm.

Cách làm này của ông Nam đã được bà con nhân dân trong thôn hưởng ứng. Người tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, người góp công, góp của, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2011, toàn bộ 3,8km đường nội thôn của thôn 4 đã được bê tông hóa 100%. “Thừa thắng xông lên”, sau đó ông Nam tiếp tục xin chủ trương của xã, kêu gọi, vận động bà con làm nhà văn hóa thôn. Trên diện tích 1.500m2 đất đồng sâu, kém năng suất, ông Nam đã kêu gọi toàn dân trong thôn tiến hành đổ đất, san lấp mặt bằng.

Ngoài số tiền thống nhất phải đóng góp là 500 nghìn đồng/khẩu, để giảm gánh nặng cho bà con, ông đã đứng ra kêu gọi, vận động những cá nhân có điều kiện kinh tế, con em làm ăn xa quê quyên góp được số tiền lên đến 250 triệu đồng. Chỉ trong 6 tháng, nhà văn hóa thôn 4 bề thế, đúng quy chuẩn NTM đã được hoàn thành với trị giá lên đến 750 triệu đồng và hơn 2.000 ngày công lao động của người dân.

Đến năm 2014, ông Nam tiếp tục vận động nguồn vốn từ các cá nhân hảo tâm, con em làm ăn xa quê, người dân đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng xong nhà quản trang rộng hơn 40m2 và sân bóng đá của thôn, trị giá lên đến hơn 280 triệu đồng. Cũng trong năm 2014, ông Nam lại vận động bà con trong thôn, góp kinh phí, bê tông hóa toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng; tiến hành xây dựng 18 hố chứa rác thải nông nghiệp như túi ni lon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... tại các đầu bờ trục, góp phần giữ gìn vệ sinh an toàn cho đồng ruộng. Đồng thời đào hố xử lý rác sinh hoạt cho cả thôn, rộng 1.500m2.

Đã có rất nhiều những việc lớn của thôn được ông Nam hoàn tất, nhưng có lẽ chuyện khiến ông tâm đắc nhất là ông đã xây dựng thành công tổ dịch vụ nông nghiệp. Năm 2014, khi các dịch vụ cày bừa nở rộ, các chủ máy bằng nhiều “chiêu”, ép giá người nông dân, khiến bà con không chỉ phải chịu giá công cao mà còn không chủ động được lịch nông vụ.

Bằng uy tín của mình, ông Nam đã đứng ra vay một cá nhân trong thôn số tiền 100 triệu đồng không lãi suất. Với số tiền này, ông mua 4 máy cày bừa liên hợp, giao lại cho 4 cá nhân trong thôn quản lý, hình thành tổ dịch vụ và hoạt động dưới sự điều hành, giám sát của cán bộ thôn. Từ khi tổ dịch vụ thôn ra đời, giá cày bừa một sào ruộng đã được giảm xuống 30% so với giá thị trường. Đồng thời, giúp bà con nông dân chủ động được lịch gieo trồng đúng thời vụ. Nhờ vậy, năng suất từ nghề nông của bà con trong thôn 4 đã được nâng lên rõ rệt. “Chỉ sau 2 năm hoạt động, tổ dịch vụ đã trả xong số tiền mà tôi đã đứng ra vay mượn. Hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, bà con phấn khởi lắm”- ông Nam vui vẻ nói.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của trưởng thôn Phạm Văn Nam, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo toàn thôn chỉ còn dưới 5%, thôn 4 đã vươn lên trở thành thôn dẫn đầu về mọi mặt và là thôn về đích đầu tiên trong Chương trình xây dựng NTM của xã Dân Quyền. Với câu hỏi: Mấu chốt của thành công là gì, ông Nam nói đó là mọi việc phải được minh bạch. Dân phải thực sự được biết, được bàn, được làm và tự họ kiểm tra giám sát mọi công việc. “Chỉ cần lòng dân thuận, không có gì là không thể”- ông Nam chia sẻ với chúng tôi trước khi chia tay.

Nguyễn Chung