Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Ninh Thuận có 6 huyện, 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; 402 thôn, khu phố.
Người dân huyện Bác Ái (Ninh Thuận) với niềm vui được mùa bắp.
Trong đó, có 1 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; có 37 xã/124 thôn, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 56,92% số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Bà con DTTS có 34.456 hộ/161.010 khẩu, chiếm 23,74%; hộ nghèo DTTS có 9.898 hộ/51.673 khẩu, chiếm 28,73% và hộ cận nghèo DTTS có 5.750 hộ/25.393 khẩu, chiếm 16,69%, so với hộ đồng bào DTTS.
Trên cơ sở nguồn vốn năm 2017 được Trung ương phân bổ, UBND tỉnh giao cho các ngành, địa phương thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi 314.793 triệu đồng và 2,491 triệu USD. Từ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trái phiếu Chính phủ, ODA, NGO và ngân sách địa phương để đầu tư các công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.
Bằng nguồn vốn trên, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đầu tư 148 công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống người dân vùng đồng bào DTTS thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp; giao thông; thủy lợi; giáo dục; y tế;...; trong đó: bố trí vốn thanh toán 28 công trình hoàn thành; thực hiện chuyển tiếp 14 công trình; đầu tư mới cho 106 công trình; qua đó góp phần kiện toàn cơ sở hạ tầng sản xuất và đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hầu hết các công trình đầu tư hoàn thành đã phát huy hiệu quả, tác động vào đời sống người dân, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... hướng trực tiếp vào giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, trong năm qua tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm từ 33,15% năm 2016 xuống còn 28,73% năm 2017; giảm 4,42% so với năm 2016; riêng huyện Bác Ái (đồng bào DTTS chiếm 95%) tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm 5,79% so với năm 2016. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS vẫn còn cao (28,73% năm 2017) so với nhóm dân tộc đa số (7,82% năm 2017).
Theo ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đồng bào DTTS chủ yếu sống ở vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; phần lớn sinh sống tại những khu vực dễ bị tổn thương trước những tác động của các hiện tượng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây ra; hầu hết các hộ nghèo và cận nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đều có sinh kế phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, bằng rất nhiều nỗ lực, tình hình đã cải thiện đáng kể. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phố cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đang tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2017 là 15.772 em, đạt 98,2%, tăng 0,3% so với năm 2016. Tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học năm 2017: đạt 97,1%, tăng 0,1% so với năm 2016. Tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ năm 2017 là 98,2%, tăng 0,3% so với năm 2016.
Có thể nói, bức tranh vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đang sáng lên.