Mẹ già bất lực nhìn con trong cũi sắt
“Cứ lên cơn điên Nhơnh lại la hét, đập phá nhà cửa, chặt bỏ cây cối trong vườn. Gia đình tán gia bại sản, đến căn nhà là tài sản duy nhất làm chỗ tá túc khi lên cơn nó cũng phá nốt. Cách đây hơn 6 năm, bà con họ hàng góp tiền cùng gia đình làm cái lồng sắt nhốt lại để nó khỏi quậy phá” – đó là tâm sự đau lòng của bà Đinh La ( 80 tuổi, làng Puih, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) kể về người con Đinh Nhơnh (37 tuổi) bị mắc bệnh tâm thần hơn 20 năm nay.
Đinh Nhơnh bị nhốt trong cũi sắt hơn 6 năm qua.
Ngồi co ro trong góc cũi được vây kín bởi những thanh sắt bốn xung quanh, phía trên mái những tấm tôn lợp đã hoen gỉ, ố vàng, từ ngày Nhơnh bị nhốt vào lồng sắt đến nay đã hơn 6 năm, mọi sinh hoạt của Nhơnh đều gói gọn trong khuôn viên chừng 6m2 được tráng xi măng.
Ngày ngày, khi mặt trời dần khuất núi, những tia nắng cuối ngày xuyên qua những ô khung sắt, Nhơnh miệng lẩm bẩm vài câu rồi gào lên, bà La như biết ý đến giờ ăn cơm, liền vào nhà lấy vội đùm cơm bọc lá chuối cùng vài hạt muối mang ra luồn tay qua khung sắt đưa vào cho Nhơnh.
Để trò chuyện với bà La, chúng tôi phải nhờ đến thôn trưởng làng Puih Đinh Can. Theo lời kể của ông Can, bà La cho rằng, vì thằng Nhơnh mà bà mới khổ thế này. Hai vợ chồng sinh được mỗi mình thằng Nhơnh, trước đây gia đình thuộc diện khá giả, có nhiều ruộng vườn, mua được máy xay sát lúa phục vụ bà con trong làng. Thằng Nhơnh lớn lên đi học năm nào cũng có bằng khen, khi đang học kỳ 2 lớp 7 thì bỗng dưng đổ bệnh, không ăn uống, ngủ nghỉ mà miệng thỉ chỉ nói lảm nhảm. Rồi bệnh tình cứ ngày một nặng thêm.
Mới đầu cứ tưởng bị Yàng phạt nên gia đình đã thuê mướn thầy về cúng tốn kém mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Năm 2000 có người ở tận TP Pleiku tìm về làng xin nó về nuôi nhưng cứ lên là nó trốn về.
Theo bà La, từ lúc mắc bệnh tâm thần, mỗi lần nó lên cơn, bao nhiêu cây cối như hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái trong vườn Nhơnh dùng dao chặt hết, rồi nhổ cả trụ tiêu vứt xuống giếng lấp đất lại. Đến cả căn nhà tổ tiên để lại nó cũng phá nốt, quần áo, chăn màn đều bị xé nát.
“Hết cách quản nó, đành nhờ bà con họ hàng xích nó vào gốc cây sau vườn, nhưng được khoảng 2 năm thấy nó gào thét, bà con họ hàng lại góp tiền mua sắt về làm thành cái cũi trong vườn nhà cho nó ở tạm. Và từ đó đến nay đã hơn 6 năm cái cũi sắt bất đắc dĩ trở thành nhà của Nhơnh”, bà La đau đớn kể.
Giờ đây, khi Nhơnh đã ở trong cũi, chẳng có cơ hội quậy phá nhưng ở cái tuổi 80, bà Đinh La vẫn nhoài người, gắng gượng kiếm từng hạt gạo, que củi, lấy từng chai nước giọt để nuôi con.
Bà Đinh La đã 80 tuổi ngỗi thẫn thờ khi nói về người con bị mắc bệnh tâm thần.
Theo bà La, cái ngày chồng bà mất cách đây 10 năm, nhà cũng chẳng có mà ở, thương tình con cháu họ hàng lại lên rừng tìm gỗ dựng lại căn nhà rồi thằng Nhơnh cũng phá, đốt hết. “Giờ cơm cũng không có ăn, nhà có 1 sào ruộng không có tiền bón phân, không có người chăm sóc, một năm thu được 3 bao lúa. Hết gạo thì xin con cháu, làng xóm, ai cho gì thì ăn thứ đó”.
Trưởng thôn Đinh Can cho biết, ngay cả căn nhà đang ở cũng được con cháu dựng tạm để tá túc. Gọi là nhà, chứ thật ra là cái chòi chỉ chừng 6 – 7m2, chôn 4 cái trụ rồi quây vài tấm tôn để che nắng mưa. Trong nhà cũng chẳng còn vật dụng gì ngoài vài cái nồi nấu cơm đã méo mó, vài chai nước dùng sinh hoạt.
Khi chúng tôi đến, bà La lê từng bước chân vội vã về nhà, tay cầm đùm gạo, hỏi ra mới biết đó là gạo đứa cháu Đinh H’giác cho. Trưởng thôn Đinh Can bảo, cả làng có 140 hộ dân thì gia đình bà La thuộc diện đặc biệt nhất. Cũng theo vị trưởng thôn này, từ ngày ông Đinh Lơk mất thằng Nhơnh đã phá 3 căn nhà rồi, thôn cũng mới đề nghị chính quyền xã, huyện xem xét hỗ trợ xây nhà cho hộ gia đình bà La nhưng chưa biết kết quả thế nào.
Ông Nguyễn Đức Tuần - Chủ tịch xã Bờ Ngoong cho biết, xã có biết hoàn cảnh của bà Đinh La, trước đây Nhà nước đã hỗ trợ xây một căn nhà nhưng cũng bị người con đập nát. Việc Đinh Nhơnh bị bệnh đã được cấp chế độ theo qui định. Hiện chính quyền đang lên phương án giúp gia đình xây bao quanh cũi sắt để chống mưa nắng.
Vẫn biết, chuyện nhốt con mình là sai nhưng với hoàn cảnh của bà Đinh La, gia đình không biết làm thế nào...