Cứu sống bệnh nhân bị tăm đâm thủng ruột non và tuyến tụy
Ngày 26/3, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh nhân H.Q. (51 tuổi, Q. Gò Vấp- TP HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt nhiễm trùng nặng và uống thuốc nhưng không giảm. Người bệnh được các bác sĩ bệnh viện khám, thử máu, chụp CT cho kết quả thấy dị vật dạng cây tăm đâm thủng tá tràng (ruột non) và đầu tụy.
Theo lời kể của bệnh nhân Q., khoảng 2 tuần trước khi vào viện có uống nhiều bia và dùng tăm xỉa răng nhưng không nhớ có nuốt nhầm tăm hay không, sau đó người bệnh đau bụng đi khám và xét nghiệm ở một cơ sở y tế khác cho thuốc điều trị viêm dạ dày uống không giảm, tình trạng đau bụng nhiều hơn, sốt cao nên vào BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu, được khám, thử máu, chụp CT bụng với chẩn đoán dị vật dạng cây tăm đâm thủng tá tràng (ruột non) và đầu tụy gây nhiễm trùng nặng.
Các bác sĩ đã thực hiện nội soi cấp cứu nhưng chỉ lấy được phần dị vật đâm thủng lòng ruột non (dài khoảng 3cm), phần còn lại của cây tăm đâm vào đầu tụy đã bị “mủn”, không gắp ra được.
Ngay sau khi nội soi lấy dị vật đầu tụy thất bại, cùng với các GS đầu ngành về phẫu thuật đã hội chẩn và quyết định tiếp tục điều trị bằng thuốc vì không thể mổ lấy phần dị vật còn lại (do dị vật bị mủn, vị trí phẫu thuật khó – ngay đầu tụy, có khả năng gây tổn thương ống tụy nặng nề sau mổ).
Với đau bụng dữ dội, sốt nhiễm trùng, bụng chướng to, không ăn uống được nên người bệnh được dùng kháng sinh mạnh, thuốc chống phù nề, giảm tiết, giảm đau, giảm sốt, truyền dịch.
10 ngày sau điều trị thuốc diễn tiến người bệnh ổn định dần, bụng giảm đau, giảm sốt, giảm nhiễm trùng, ăn uống được và xuất viện sau đó.
Qua trao đổi, khi đi nhậu, người bệnh có thói quen hay ngậm tăm. Có thể trong quá trình uống rượu, bia mất kiểm soát, người bệnh đã nuốt phải cây tăm mà không biết, để cây tăm trôi xuống, gây ra tình trạng thủng ruột và xuyên vào tuyến tụy.