Từ vụ cháy kinh hoàng chung cư Carina Plaza đến nỗi lo hỏa hoạn
Vụ cháy chung cư Carina Plaza với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng.
Khói bùng phát tại khu vực hầm để xe của chung cư Carina. (Ảnh: TTXVN).
Mặc dù thời gian trước đó cũng đã có rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hậu quả chưa thực sự nghiêm trọng.
Thế nên, sau mỗi sự việc, các cư dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng chỉ xôn xao vài hôm rồi lại quên mất những mối nguy hiểm đang rình rập từ giặc lửa. Từ đó, câu chuyện về nhiều nhà chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy mà người dân vẫn vô tư đến ở vẫn đang là tình trạng diễn ra phố biến tại nhiều nơi.
Việc nhiều chung cư đón dân vào ở mà chủ đầu tư vẫn “nợ” chứng chỉ nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy là có thật. Vì nhiều lý do, chủ đầu tư đến tiến độ là thu tiền, giao nhà. Còn người mua cũng đang cần chỗ ở nên cũng “quên” luôn việc phải “soi” những thủ tục cần thiết về quy chuẩn - trong đó có phần nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy.
Bàn về việc nhiều chủ đầu tư tòa nhà chưa có chứng chỉ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở, tiến sỹ Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - cho rằng họ đang quá coi trọng lợi nhuận, khinh thường chế tài xử phạt nên mới bất chấp như vậy. Trên thực tế, có những chủ đầu tư xây dựng rất nhiều công trình chung cư; trong đó, số chung cư bị vi phạm phòng cháy chữa cháy chiếm số lượng không hề nhỏ nhưng vẫn “thờ ơ.”
Giai đoạn trước, rất nhiều người dân lơ mơ về vấn đề này, họ thiếu kiến thức về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Do đó, nhiều cư dân đang sinh sống trong chính ngôi nhà của mình nhưng lại không hề chú ý đến những điều kiện an toàn căn bản.
Để đầu tư vào hệ thống phòng cháy chữa cháy ở chung cư cần một khoản chi phí rất lớn. Khoản này được tính vào chi phí và đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì lợi ích kinh tế mà rất nhiều doanh nghiệp từ bỏ hạng mục quan trọng này. Có vẻ như họ thà bị phạt chục triệu đồng còn hơn đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy ở chung cư, ông Xiêm đưa ra nghi vấn.
Qua vụ việc vừa xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, dư luận đang lo lắng về chất lượng của hệ thống báo cháy, điển hình là sự "câm lặng chết người" khi có cháy tại chung cư Carina Plaza. Các chuyên gia cho rằng rất nhiều chung cư đã nghiệm thu phòng cháy chữa cháy xong nhưng trong quá trình đưa vào sử dụng lại gặp trục trặc. Lúc thử nghiệm, tín hiệu báo cháy kêu nhưng không có nghĩa nó đang hoạt động hiệu quả nếu thiết bị không được bảo trì thường xuyên. Hoặc cùng có thể thiết bị “lỗi” đúng khi cháy thật thì chuông báo cháy cũng sẽ không kêu.
Bởi vậy, việc bảo trì và kiểm tra thường xuyên cũng cần người có chuyên môn về phòng cháy chữa cháy hoặc nhà thầu có năng lực trong việc duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Có thể hệ thống phòng cháy chữa cháy được kiểm tra hàng ngày, hàng tuần nhưng đối tượng kiểm tra là đội ngũ bảo vệ thì e rằng tính hiệu quả của hệ thống phòng cháy chữa cháy là không ổn, các chuyên gia cảnh báo.
Ngoài ra, hiệu quả của hệ thống phòng cháy chữa cháy còn phụ thuộc vào chất lượng. Giả sử chủ đầu tư không có tâm sẽ mua hệ thống phòng cháy chữa cháy chất lượng kém, giá rẻ đồng nghĩa với nó là khả năng hoạt động không tốt.
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy TPHCM thực hiện công tác cứu hộ, đưa người dân ra khỏi hiện trường vụ cháy chung cư Carina. (Ảnh: TTXVN).
Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng. Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo nhiều biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với công trình nhà cao tầng, chung cư cao tầng.
Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt Sở Xây dựng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và các đơn vị liên qua, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khắc phục các nội dung tồn tại, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, kiên quyết xử lý các vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng.
Nhiều công trình đã khắc phục hoàn thành các nội dung tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo thống kê đến tháng 2/2018, hiện vẫn còn 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn tồn tại, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về phòng cháy chữa cháy hiện hành.
Nguyên nhân, trong giai đoạn trước 2011, nhận thức ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư còn yếu kém; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy còn hạn chế; công trình đã được thi công ổn định về kết cấu, kiến trúc sau đó chủ đầu tư mới thực hiện việc thẩm định phê duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, thiết kế thang bộ thoát nạn, thang bộ kín, hệ thống chống tụ khói cho công trình... nên không có khả năng thực hiện thời điểm này nữa. Đây cũng là những vấn đề cần sớm giải quyết để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mặc dù theo tiêu quẩn quy chuẩn xây dựng, các tòa nhà cao tầng đều có thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng nếu xảy ra hỏa hoạn lớn thì không thể chỉ trông đợi vào riêng hệ thống này mà đòi hỏi các cư dân phải có cả kỹ năng “thoát hiểm.”
Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội cho hay, hiện ở vị trí tiếp cận tốt nhất thì xe thang của lực lượng cứu hỏa có thể tiếp cận được lên tới tầng 20. Tuy nhiên, thang không thể cứu cùng lúc đông người và ở độ cao này thì rất rung lắc gây cảm giác sợ cho cả nạn nhận được cứu.
Nhiều trường hợp tử nạn không phải do sức nóng của lửa mà ngạt chết bởi khói. Do đó, nếu vị trí các xa điểm phát cháy, căn hộ lại không ở tầng quá cao, người dân nên bình tĩnh đối phó. Có thể chọn cách lấy băng dính bản to dán các khe cửa đang bị khói xâm lấn, dùng khăn đã tẩm ướt để ấp vào mũi, mồm cho dễ và ra ban công (hướng không bị khói bủa vây) đợi cứu hộ; tránh trường hợp đổ dồn ra hành lang và khu vực thoát hiểm - nhất là khi khu vực khi đã bị khói bao trùm.
Trên thực tế, nếu điểm cháy không tiếp giáp lân cận thì các bức tường cũng có khả năng cản lửa hàng chục tiếng, một chuyên gia gợi ý. Hơn nữa, cửa thoát hiểm, theo yêu cầu của Luật phòng cháy chữa cháy cũng được thiết kế có khả năng chống khói, lửa trong khoảng thời gian nhất định.
Hệ thống cửa thoát hiểm phải có hệ thống thủy lực để tự đẩy ra, đẩy vào; đồng thời buộc phải kín để chống khói. Tuy nhiên, nếu sai về mặt kỹ thuật thì khói của vụ cháy vẫn tràn xuống cửa thoát hiểm. Trong các vụ cháy xảy ra, đa phần tử vong hay thương vong đều do khói. Các cư dân chung cư cao tầng được khuyến cáo không tự ý mở và chèn để cửa thoát hiểm để luôn trong tình trạng mở. Lúc đó, khu thoát hiểm sẽ trở thành “điểm chết,” chuyên gia cảnh báo.