Không còn bị Uber cạnh tranh, Grab sẽ độc quyền taxi công nghệ?
Grab đã chính thức “thâu tóm” xong Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra khi Grab gần như độc quyền taxi, xe ôm công nghệ?
Chuyên gia lo ngại khi thâu tóm xong Uber, Grab sẽ độc quyền trong thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam? |
Sáng 26/3, Uber Technologies ra thông báo xác nhận đồng ý bán mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á, nơi có 620 triệu dân cho Grab và đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab.
Cùng ngày, Grab và Uber tại Việt Nam đồng loạt ra thông báo hợp nhất. Theo đó, ứng dụng của Uber sẽ biến mất sau ngày 8/4, các lái xe Uber muốn tiếp tục hợp tác cần đăng ký lại với Grab, còn khách hàng cũng sẽ tạm biệt ứng dụng của Uber. Dù Grab ra nhiều thông điệp trấn an lái xe lẫn khách hàng, nhiều người trong cuộc vẫn lo lắng về nguy cơ cước tăng, thu nhập giảm khi không còn nhiều lựa chọn.
Như vậy, với thương vụ này taxi công nghệ trên thị trường hầu như sẽ không còn sự cạnh tranh nào nữa, đối thủ lớn nhất của Grab là Uber đã rút lui và bán mình. Nhiều “tín đồ” taxi công nghệ lo lắng, khi có sự độc quyền, giá taxi công nghệ thời gian tới sẽ tăng, ít khuyến mãi.
Hàng nghìn lái xe Uber lo lắng
Sáng 27/3, nhiều tài xế Uber tìm đến trụ sở Uber tại Hà Nội để hỏi về cách thức chuyển đổi sang Grab, cũng như các điều kiện mới, cách tính chiết khấu...
Tuy nhiên, tại trụ sở của Uber ở Hà Nội đã im lìm khóa. Dòng thông báo ngắn gọn được dán trên cửa kính: “Văn phòng Uber tạm thời đóng cửa. Ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường. Thông tin Uber-Grab sẽ được gửi tới đối tác trong thời gian sớm nhất”.
Nhiều tài xế chạy cho Uber sáng 27/3 đến trụ sở Uber Hà Nội để hỏi, mong được giải quyết những băn khoăn về khả năng thay đổi chính sách chiết khấu khi một lượng lớn lái xe Uber gia nhập vào gia đình Grab nhưng văn phòng đã đóng cửa. |
Nhiều tài xế cho biết đã nghe phong phanh chuyện 2 hãng taxi công nghệ “về chung một nhà” từ lâu, nhưng khi nhận được thông báo đều rất bất ngờ và hụt hẫng. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng các tài xế không biết tìm ai để có lời đáp.
Anh Phương, một lái xe Uber đã gần 3 năm nay đến văn phòng để hỏi thông tin cụ thể, nhưng anh không gặp được người đại diện. Anh Phương băn khoăn vấn đề chiết khấu cho lái xe. Với ứng dụng Uber, anh đang chịu mức chiết khấu cho hãng là 20% trong khi tài xế Grab phải chịu chiết khấu 25% hoặc hơn, chưa tính thuế.
Thông báo đóng cửa tại văn phòng Uber Hà Nội. |
"Không biết khi chúng tôi chuyển sang Grab, họ có bảo lưu những tích lũy của chúng tôi 2 năm qua hay không”, anh Phương nói.
Giống anh Phương, anh Tiến Mạnh, một tài xế giao hàng của Uber sáng 27/3 cũng nhận được dòng thông báo về việc ứng dụng sẽ dừng hoạt động, anh hoang mang đến trước trụ sở hãng này tại Hà Nội vào sáng 27/3.
Anh Phương lo lắng không biết những thắc mắc của mình sẽ được ai tiếp nhận. Nhất là khi tham gia chạy giao hàng cho Uber, anh phải đặt cọc 1 triệu đồng và không biết có thể nhận lại số tiền đó được không.
Ngay cả một số tài xế Grab cũng băn khoăn về khả năng thay đổi chính sách chiết khấu khi một lượng lớn lái xe Uber gia nhập vào gia đình Grab.
“Tín đồ” taxi công nghệ băn khoăn
Từ vị thế vượt trội về công nghệ lẫn thị phần tại Việt Nam, Uber dần suy giảm sức mạnh và chính thức bị Grab thâu tóm. Thương vụ được đánh giá là thuộc dạng lớn nhất trong khu vực này đã phá vỡ thế chân vạc trong cuộc cạnh tranh Uber, Grab và taxi truyền thống và dự báo gây nhiều xáo trộn thị trường.
Taxi công nghệ sẽ chỉ còn lại màu xanh này? |
Trên thực tế, khi cùng song song tồn tại, nhiều cuộc đua “phá giá”, “ưu đãi khủng” cho cả lái xe lẫn khách hàng được hai bên đưa ra để giành thị phần, lôi kéo tài xế. Do đó, khi Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần tại Grab, nhiều người dự đoán các chiến dịch khuyến mại khủng, giá cước rẻ sẽ biến mất.
Chị Quyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một khách hàng “ruột” của Uber bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận được mail thông báo của Uber về việc cần cài đặt ứng dụng Grab để sử dụng dịch vụ sau ngày 8/4.
“Tôi hay dùng Uber vì phần mềm định vị tốt hơn, chất lượng dịch vụ cũng ổn, giá thấp hơn của Grab, nay thay đổi, chỉ còn mình Grab sợ không còn đối thủ cạnh tranh, giá cước sẽ cao hơn”.
Nhiều “tín đồ” khác của taxi công nghệ cũng tỏ ra lo lắng như chị Quyên, chị Thu Hằng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) người sử dụng cả hai loại hình Uber, Grab và thường xuyên so sánh giá cũng như các chương trình giảm giá băn khoăn về khả năng Grab sẽ cắt khuyến mại vì chẳng còn đối thủ. Về phần mình, hầu hết các lái xe Uber cảm thấy “sốc”, thậm chí bức xúc vì cho rằng Uber đã bỏ rơi các tài xế.
Lo Grab “một mình một sân”, không đối thủ
Khi Uber chính thức xác nhận với người dùng việc rời bỏ thị trường Đông Nam Á sau khi chính thức bán cho Grab, không ít người lo lắng trước việc loại hình taxi công nghệ sẽ do Grab độc quyền và có thể tự ý tăng giá cước trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ở góc độ taxi công nghệ, khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường, trước đây còn có hai doanh nghiệp nhưng nay chỉ còn mình Grab sẽ xảy ra tình trạng độc quyền. Việc độc quyền sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, khách hàng không có sự lựa chọn.
Trước đây, người dân còn có sự lựa chọn, so sánh giữa Uber và Grab, nhưng nay chỉ có mình Grab, hành khách muốn sử dụng taxi công nghệ phải chấp nhận giá do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra.
Đối với người lao động là lái xe của Grab, tại Việt Nam họ chỉ có sự lựa chọn duy nhất. Tại Việt Nam, Uber, Grab bản chất không còn là kinh tế chia sẻ, đa số lái xe của Uber và Grab là đầu tư mua xe để kinh doanh, nhiều người trong số này phải vay ngân hàng mua xe.
Giả sử trong trường hợp họ vi phạm các điều kiện hoạt động của Grab tài khoản sẽ bị khóa mà không còn nhảy ứng dụng sang Uber được nữa và sẽ mất nghề mưu sinh.
"Khi thị trường có sự độc quyền gây bất lợi cho người tiêu dùng, người lao động, nhà nước cần có cơ chế, chế tài để điều chỉnh", ông Long nói.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo tôi không nên quá lo lắng về Grab sẽ độc quyền, một số doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công cũng đã xây dựng phần mềm để cạnh tranh lại với Grab. Vấn đề là các doanh nghiệp cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh.
Còn chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, việc Uber về tay Grab tại Việt Nam là “bình thường và là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh”. Trên thực tế, Uber cũng đã rút khỏi Trung Quốc và việc ra khỏi thị trường Châu Á là chủ trương lớn của Uber.
Theo ông Sanh, để khách hàng lẫn lái xe không bị thiệt, vai trò của cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ GTVT rất quan trọng. “Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện thể chế và phải vì lợi ích người dân chứ không thể vì lợi ích của doanh nghiệp dù là Grab hay taxi truyền thống”.
- Grab Việt Nam cho rằng, việc tập hợp những chức năng và dịch vụ cùng một ứng dụng sẽ giúp tăng cuốc xe, tăng thêm thu nhập cho lái xe và từ nay tới ngày 8.4 việc sử dụng ứng dụng Uber vẫn được duy trì. Sau ngày này, các lái xe Uber cần đăng ký lái xe với Grab và các dịch vụ hiện thời vẫn được giữ nguyên. Grab Việt Nam cũng khẳng định Uber sẽ thanh toán đầy đủ các chuyến xe và chương trình thưởng tương ứng từ các cuốc xe mà bạn hoạt động thông qua ứng dụng Uber dành cho tài xế. - Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2.2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2017 lỗ lũy kế 938,2 tỉ đồng. - Đại diện Uber Việt Nam cũng khẳng định, hãng đang rơi vào tình trạng không sinh lời, dù tổng doanh thu từ năm 2014 đến giữa năm 2017 khoảng 2.706 tỉ đồng. - Bên cạnh đó, khoảng nợ thuế 62 tỉ đồng của Uber sẽ giải quyết như thế nào khi bàn giao lại thị phần cho Grab. |
Theo VOV