Xã hội hóa giáo dục: Bắt đầu từ đơn giản thủ tục hành chính

Lục Bình 30/03/2018 08:30

Là một ngành được cho là ít thủ tục hành chính, không nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng hiện trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo vẫn còn không ít thủ tục cản bước chân của nhà đầu tư đến với lĩnh vực này.

Nhiều điều kiện kinh doanh gây khó nhà đầu tư

Để cắt giảm những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó cho nhà đầu tư, cũng giống như các bộ, ngành khác cũng đã có nhiều phương án cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Theo Bộ GD&ĐT, trong năm 2017, Bộ đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT, dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện; đơn giản hóa 16 điều kiện). Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà Bộ GD&ĐT đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%...

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu như vậy nhưng tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cản lối nhà đầu tư.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng hiện, Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Dẫn chứng cho nhận định của mình ông Cung cho biết, năm ngoái khi ông dự một hội nghị, có 1 doanh nghiệp phải dùng xe taxi để chở hồ sơ xin thành lập trường, điều này chứng tỏ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh là không ít.

“Bộ báo cáo hiện còn 212 điều kiện kinh doanh, nhưng tôi nghĩ tính ra phải lên tới gần 1.000 điều kiện, vì mỗi gạch đầu dòng lại bao gồm 3, 4, thậm chí 5 điều kiện con” - ông Cung nhận xét.

Để minh chứng cho nhận định trên ông Nguyễn Đình Cung đưa ra ví dụ: một điều kiện thành lập trường mẫu giáo là phải có đề án thành lập phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… Như vậy, điều kiện này gồm ít nhất 2 điều kiện con, chưa kể các loại quy hoạch còn do nhiều cấp thực hiện như Trung ương, tỉnh, huyện.

TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, có những thay đổi căn bản, thực chất trong việc cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đừng để những thủ tục hành chính rườm rà mà không thu hút được lượng lớn doanh nghiệp tham gia công cuộc xã hội hóa ngành giáo dục.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các khâu trong quá trình thành lập một cơ sở giáo dục bị trùng lặp, nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, cơ quan cấp phép có toàn quyền cấp phép hoặc không, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Ví dụ yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thì thực hiện thế nào? Rồi yêu cầu đội ngũ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý… thì thực hiện thế nào? Rồi có đủ nguồn lực tài chính để duy trì và phát triển, đó là nhu cầu tự thân của nhà đầu tư…

Phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

Tại cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra rằng, phương án của Bộ GD&ĐT đặt vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa là chưa sát, chưa thực chất. Cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa nhất có thể. Bởi, trong các điều kiện kinh doanh “không dùng các cụm từ khó hiểu để cán bộ thi hành công vụ vận dụng tự do mà phải lượng hóa, không đưa ra các tiêu chí chung chung”.

Ông Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư, đây chính là dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt với ngành trồng người, ngành được cả nước quan tâm đặc biệt, cần phải mở cửa, thông thoáng hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

“Muốn xã hội hóa mạnh hơn, thu hút đầu tư mạnh hơn thì thủ tục phải gọn ghẽ hơn, chứ hiện nay thành lập ngay cả một trường mầm non cũng không đơn giản. Ở địa phương, tôi từng đi kiểm tra một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, dụng cụ học tập thì đầy đủ nhưng vẫn còn nguyên như mới, nghĩa là không sử dụng. Cần xử lý từ những vấn đề rất nhỏ như vậy”- Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ lưu ý và đề nghị Bộ GD&ĐT cố gắng rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Giảm được 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng

Ông Nguyễn Viết Lộc- Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cấu thành của cơ quan, đơn vị theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian; tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.

Kết quả, đã giảm từ 23 đơn vị hành chính (vụ, cục và tương đương) xuống còn 21 đơn vị hành chính (giảm 2 đơn vị và 8 vị trí lãnh đạo cấp vụ); sắp xếp lại từ 25 phòng thuộc vụ, thanh tra, văn phòng Bộ xuống còn 10 phòng, giảm 15 phòng.

Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT là 1 trong 2 bộ không còn phòng trong vụ, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về tinh giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy công vụ; các phòng trong các cục giảm từ 24 phòng xuống còn 17 phòng. Theo đó, giảm 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.

Lục Bình