Đưa vào vận hành thử nghiệm Đài Thiên văn tại Hà Nội từ tháng 6
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết tháng 6/2018, Đài Thiên văn và Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sẽ được bàn giao kỹ thuật và vận hành thử nghiệm.
Đài thiên văn đặt tại Nha Trang. (Nguồn: VNSC).
Đây là một trong hai Đài thiên văn được đầu tư xây dựng trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Giống như Đài Thiên văn Nha Trang, Đài Thiên văn tại Hà Nội có kính thiên văn quang học đường kính 0,5 m, có cấu trúc dẫn động đồng bộ với mái vòm điều khiển tự động, được trang bị một máy ghi nhận hình ảnh chuyên dụng và một bộ phân tích phổ chất lượng cao.
Đài thiên văn có nhà chiếu hình vũ trụ 100 chỗ ngồi với đường kính 12 m được thiết kế với màn hình dạng mái vòm, lớn hơn nhà chiếu hình vũ trụ ở Nha Trang. Những hình ảnh cũng như những thước phim được trình chiếu lên màn hình vòm này bởi hệ thống sáu máy chiếu độ phân giải cao tạo hiệu ứng 3D, mang đến trải nghiệm chân thực về không gian-vũ trụ và các vì sao.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhấn mạnh nhà chiếu hình là công cụ cung cấp hiểu biết và kiến thức về thiên văn, sử dụng hình ảnh trực quan để giải thích chuyển động của các vật thể trên trời và nhiều hiện tượng thiên văn lý thú. Khi đưa vào hoạt động, khách tham quan sẽ được xem những bộ phim về lịch sử hình thành vũ trụ một cách chân thực, ấn tượng với nhà chiếu hình vũ trụ, được tham quan và chứng kiến sự vận hành của kính thiên văn đường kính 0,5 m lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang xây dựng chương trình phổ biến kiến thức cho học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, để khi tham quan, các em sẽ được trải nghiệm, tiếp thu các kiến thức lý thú và phù hợp về khoa học vũ trụ và thiên văn. Đây là sự khởi đầu quan trọng để thế hệ trẻ hiểu về khoa học vũ trụ và hình thành niềm đam mê với lĩnh vực này.
Ngoài ra, Đài Thiên văn có thể thực hiện một số nghiên cứu với kính và thiết bị đi kèm như quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần trái đất, tìm kiếm siêu tân tinh.