Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, người mở đầu cho nền y dược cổ truyền dân tộc

Xuân Thủy 31/03/2018 17:29

Sáng ngày 30/3 (tức ngày 14/2 âm lịch), Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Đền Bia - Xã Cẩm Văn - Huyện Cẩm Giàng - Tỉnh Hải Dương.

Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, người mở đầu cho nền y dược cổ truyền dân tộc

Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ và Hội hành nghề y và đông y nhiều tỉnh thành phố đã về dự lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Trong diễn văn ôn lại thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y- Thiền sư Tuệ Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo các tài liệu thành văn và theo truyền thuyết ở quê hương Y tôn Nguyễn Bá tĩnh sinh trưởng dưới triều nhà Trần (1225 – 1399 - thế kỷ 14), Ông xuất thân từ một gia đình bần nông, lên sáu tuổi thì mồ côi cha mẹ, được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thuỷ (Nam Định) nuôi ăn học.

Đến năm 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng nhưng vẫn đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở chùa này và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, như chùa Hộ Xá (Nghĩa Xá).

Nǎm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tǎng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

Nǎm 45 tuổi, ông thi đình. đậu Hoàng giáp. Nǎm 55 tuổi ông đi sứ sang Trung Quốc. Nhà Minh giữ ông lại làm việc ở Viện Thái y. Ông mất ở Trung Quốc, không rõ nǎm nào.

Bộ trưởng cho biết: "Tuệ Tĩnh là một thầy thuốc giỏi, qua kinh nghiệm bản thân và sưu tầm nghiên cứu, ông đã tổng hợp biên soạn Y dược học cổ truyền trong những tác phẩm lớn là Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư. Trong bộ Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã nêu lên được nguyên nhân, bệnh lý và chứng trạng của từng bệnh trong điều kiện Việt Nam, xây dựng nghiệm phương và truyền phương để trị liệu. Đây là phương pháp trị liệu khoa học, đơn giản, đại chúng và rất dễ áp dụng và đặc biệt là trong các đơn thang đó hầu hết là thuốc Nam rất sẵn có ở mọi miền đất nước. Ngoài ra, Tuệ Tĩnh còn dùng các phương pháp trị bệnh bằng thức ăn, vật lý trị liệu như xoa bóp, chườm, cứu…"

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: Những tác phẩm nổi tiếng của Tuệ Tĩnh, bên cạnh kiến thức y lý cổ truyền sâu sấc, những kinh nghiệm phong phú về sử dụng thuốc Nam, còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là xây dựng những quan điểm về y học dân tộc mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. Đó là xây dựng nền y dược học trên tinh thần tự cường dân tộc. Tuệ Tĩnh không câu nệ vào sách xưa mà biết kết hợp nhuần nhuyễn có thể coi là tuyên ngôn về tinh thần dân tộc trong y học hài hoà giữa lý luận với kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm dân gian theo thực tiễn bệnh tật, khí hậu, thổ nhưỡng và con người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngày nay chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền khoa học sức khoẻ, kế thừa và phát huy y học Đông phương. Quan điểm của danh y Tuệ Tĩnh: “Người khoẻ thì bệnh lùi - Tinh đầy thì thần vững - Cậy thầy thuốc chẳng bằng sửa mình - Giúp người sống vốn hay tích phúc" thật là quý giá, bổ ích.

"Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt "

Tuệ Tĩnh là một nhà Y dược học danh tiếng của nước ta, ông đã xây dựng nền móng của y học nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, theo phương châm "Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt ". Ông đã phát động phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triến y học dân tộc.

"Noi gương Tuệ Tĩnh, chúng ta luôn trau dồi y đức, phát triển y thuật, kế thừa và phát triển y dược cổ truyền dân tộc, kết hợp với y học hiện đại, xây dựng nền y dược Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng, góp phần phục vụ công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị cán bộ và nhân dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, thầy thuốc ngành y tế nêu cao truyền thống cha ông và y đức Tuệ Tĩnh, tiếp tục phát huy tinh thần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như lời Bác Hồ dạy "Lương y như từ mẫu".

Xuân Thủy