Đứng trên bục giảng
Sự việc một cô giáo dạy toán Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM), hơn 3 tháng liền không nói trong giờ lên lớp dạy học khiến học sinh bật khóc tại buổi đối thoại công khai với lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo thành phố mới đây đã cho thấy một hiện thực đáng buồn về phương pháp giáo dục của người thầy nói riêng và mối quan hệ thầy - trò nói chung.
Ngạc nhiên về hình thức giảng dạy có một không hai của cô giáo này, ông Nguyễn Văn Ngai- nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho rằng, ở góc độ của người giáo viên, hành động không nói gì, chỉ viết bài lên bảng của cô giáo là không thể chấp nhận được. Học trò ở thời nào cũng vậy, vẫn sẽ có những em nghịch, học không giỏi nhưng đó là điều bình thường.
Khi học sinh chưa ngoan, người thầy phải có trách nhiệm tìm hiểu để nắm bắt tâm lý nguyên nhân, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hơp. Và điều quan trọng nhất là phải dùng tình thương, trí tuệ của người thày để cảm hóa học trò. Đó vừa là trách nhiệm vừa là sứ mệnh của những người làm giáo dục.
Phân tích về vấn đề này, cán bộ thuộc Sở GDĐT thành phố nói rằng, dù với bất cứ lý do gì, lỗi hoàn toàn cũng thuộc về người lớn. Chưa nói đến phương pháp giáo dục sai, mà nói đến ứng xử thầy - trò cũng không chấp nhận được.
Trước hết phải khẳng đinh em học sinh nói ra sự thật này là một học sinh dũng cảm. Xưa nay, vì nhiều lý do, học sinh gần như ít dám nói ra lỗi của thầy cô giáo. Có thể hiểu em học trò đó khi nói ra sự thật này đã phải suy nghĩ và dày vò rất nhiều...
Dư luận cũng bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao sự việc cô giáo lên lớp lại hoàn toàn im lặng trong một thời gian dài mà cả trường không ai hay biết? Mãi đến khi một em học sinh không thể chịu nổi ấm ức, bật khóc nói ra thì mọi chuyện mới sáng tỏ. Phải chăng mối quan hệ thầy - trò hiện nay trong nhà trường quá lỏng lẻo? Em học sinh nói ra sự thật này có bị trù dập không, ai sẽ bảo vệ hoc sinh và khi các em uất ức biết chia sẻ với ai?
Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học là tri thức và nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá người học bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Trên thực tế, nhà trường là nơi ngoài dạy chữ, còn là nơi học sinh kết nối các mối quan hệ, là cuộc sống thu nhỏ. Theo các chuyên gia giáo dục, với những mối quan hệ thầy trò không mấy tốt đẹp, quá trình hình thành nhân cách và trí tuệ của học sinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, nếu giáo viên không giỏi chuyên môn và không có kỹ năng ứng xử sẽ rất thiệt thòi cho học sinh, dễ khiến các em trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần.
Nghề giáo thời nào cũng cao quý, nhưng nếu không có nhiệt huyết với nghề xin đừng đứng trên bục giảng.