Văn bia tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình bị ‘bắt lỗi’

Bài ảnh: Trần Duy Hưng 01/04/2018 14:06

Cho rằng văn bia tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình có những sai sót về thông tin, kiến thức lịch sử, nội dung khập khiễng, khiên cưỡng và có cả lỗi chính tả, một cán bộ hưu trí ở địa phương kiến nghị các cơ quan liên quan của tỉnh cần chỉnh sửa.

Văn bia tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình bị ‘bắt lỗi’

Công trình Đền thờ liệt sỹ tỉnh Thái Bình được khánh thành vào ngày 22/12/2015.

Không chính xác về thông tin

Phản ánh với Đại đoàn kết Online, ông Nguyễn Văn Hưng (đã nghỉ hưu, trước đây công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình) cho biết: công trình Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình được khánh thành vào cuối năm 2015.

“Như mọi người dân Thái Bình, tôi rất trân trọng, cảm kích việc làm ý nghĩa này. Qua đây, người dân trong tỉnh có một địa chỉ chung để bày tỏ sự tưởng nhớ, tri ân những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc”, ông Hưng chia sẻ.

Một trong những hạng mục quan trọng của công trình là hai văn bia được khắc, dựng ở hai bên sân đền.

Nội dung của hai văn bia (số 1 là “Thái Bình vùng đất văn hiến”; số 2 là “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ”) giới thiệu, ngợi ca lịch sử, đất và người Thái Bình (số 1); ca ngợi tinh thần, ý chí, sẵn sàng hy sinh của các thế hệ người Thái Bình trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước (số 1).

Phía dưới hai văn bia cùng đề: “Ngày tốt, tháng 11 năm Ất Mùi (2015). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình dựng bia”.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ông Hưng cho rằng nội dung văn bia có những sai sót không đáng có.

Cụ thể, trong văn bia số 2, sau khi giới thiệu, thể hiện niềm tự hào về tinh thần, ý chí chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình từ hàng ngàn năm trước đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, văn bia viết: “Giặc lại đến! Đạp núi vượt non, hơn 50 vạn chàng trai, cô gái Thái Bình khí phách hiên ngang, đội trời đạp đất, vượt đỉnh Trường Sơn, vai mòn nắng gió, súng đạn ngút trời, muôn giọng đồng thanh...”.

Ông Hưng cho rằng khi đọc nội dung trên ai cũng hiểu văn bia nói đến những đóng góp của tỉnh Thái Bình trong kháng chiến chống Mỹ và chỉ trong cuộc kháng chiến này, Thái Bình đã có hơn 50 vạn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu...

Dẫn chứng ngay số liệu trong tài liệu “Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình phối hợp xuất bản năm 2017 và nhiều nguồn thông tin chính thống khác của tỉnh Thái Bình, ông Hưng cho rằng thông tin trên văn bia không chính xác.

Cụ thể, trong tài liệu “Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình”, cơ quan chỉ đạo về công tác thông tin-tuyên tuyền và cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh chỉ khẳng định: trong các cuộc kháng chiến oanh liệt, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, “nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa hơn 40 vạn lượt người con lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả”...

Văn bia tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình bị ‘bắt lỗi’ - 1

“Thái Bình vùng đất văn hiến”, một trong hai văn bia được tạc, dựng tại Đền thờ liệt sỹ tỉnh Thái Bình.

Sử dụng tên đất không phù hợp, khập khiễng trong dẫn chứng

Văn bia số 1 có đoạn viết: “Thế kỷ XIX cửa nát nhà tan, thống khổ lầm than con đen nô lệ. Đất lành quật khởi, cơn thịnh lộ triều dâng thác cuốn. Sáng ngời Thành phố Thái Bình, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải bẫy chông, gậy gộc đứng lên. Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà mũi tên, giáo mác phun trào phún thạch. Thế trận “long trời, lở đất”, tráng khí ngút trời, tiếng trống năm 30 vọng vang sông núi...”.

Về nội dung này, ông Hưng cho rằng văn bia nói đến người và việc của tỉnh Thái Bình trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX đến 30 năm đầu của thế kỷ XX.

Theo ông, trong khoảng thời gian này, tỉnh Thái Bình không có đơn vị hành chính nào mang tên Thành phố Thái Bình, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà.

Những tên huyện trên chỉ mới có từ năm 1969, riêng Thành phố Thái Bình mãi tới năm 2004 mới được nâng cấp từ Thị xã Thái Bình, tức là sang thế kỷ 21 mới mang tên này (trước đó, huyện Vũ Thư ngày nay là hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì; huyện Đông Hưng là hai huyện Tiên Hưng, Đông Hưng; huyện Thái Thụy là hai huyện Thụy Anh, Thái Ninh; huyện Quỳnh Phụ là hai huyện Quỳnh Côi, Phụ Dực; huyện Hưng Hà là hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân).

Ông Hưng cũng cho rằng từ năm 1969 (năm ra đời các tên huyện trên) đến nay, trên đất Thái Bình không có giặc ngoại xâm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các địa phương trên thi đua lao động, sản xuất để vừa góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam tiền tuyến, không hề có những việc như “bẫy chông”, “gậy gộc đứng lên”, cũng không có những việc như “mũi tên, giáo mác, phun trào phún thạch” như văn bia khẳng định.

“Gán những việc không hề có cho tên một địa phương cụ thể trên văn bia là việc rất nguy hại. Nếu như người soạn nghiên cứu, sử dụng tên đất đúng với thời gian lịch sử đề cập thì không có sự khập khiễng, gán ghép nguy hại này!”, ông Hưng lập luận.

Văn bia số 1, có đoạn viết: “Gian nan dâu bể, nảy nở tinh hoa, văn vật điển chương phát lộ, văn hóa văn minh tỏa khắp một vùng châu thổ. Hàng trăm trí thức đại khoa lẫy lừng đức nghiệp, mọi thời rạng rỡ khởi hưng. Bảng vàng, bia đá đặt tại cửa hiền. Trên mảnh đất này, tên tuổi Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Thái thường tự khanh Bùi Sỹ Tiêm; nhà bác học Lê Quý Đôn; nhà canh tân Bùi Viện...lưu danh kim cổ”.

Theo ông Hưng, trong đoạn trên, văn bia giới thiệu, nhấn mạnh, ngợi ca truyền thống học hành, khoa bảng của người Thái Bình.

Tuy nhiên, lấy nhân vật Trần Thủ Độ làm dẫn chứng tiêu biểu thì không phù hợp.

“Ông Trần Thủ Độ đúng là một nhân vật lịch sử, có công sáng lập vương triều Trần nhưng ông không phải là người học cao, thậm chí ông còn không biết chữ. Lấy một người không biết chữ để minh chứng cho truyền thống học hành, khoa bảng là rất khiên cưỡng”, ông Hưng nêu quan điểm.

Văn bia tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình bị ‘bắt lỗi’ - 2

Theo ông Nguyễn Văn Hưng (trong ảnh), hai văn bia tại Đền thờ liệt sỹ tỉnh Thái Bình có những sai sót.

Những hạt sạn không đáng có

Về lỗi chính tả, ông Hưng nêu ví dụ: văn bia số 1 có câu: “Thục Nương nữ tướng dựng cờ “phù Trưng diệt Hán...”.
“Đọc lên ta hình dung trên lá cờ của Thục Nương có dòng chữ “Phù Trưng, diệt Hán”.

Theo nguyên tắc diễn đạt của tiếng Việt, khi trích dẫn, chữ “Phù” ở đầu câu trên lá cờ phải được viết hoa trong khi văn bia không làm việc này”, ông nhìn nhận.

Tương tự, trong văn bia số 2, có câu: Hậu phương “thóc thừa cân, quân vượt mức”, “vững tay cày, chắc tay súng”, tất cả vì miền Nam ruột thịt” ....

Theo ông Hưng, những cụm từ trên, kể cả cụm từ tất cả vì miền Nam ruột thịt đều là những câu khẩu hiệu quen thuộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Khi trích dẫn, văn bia chỉ để trong ngoặc kép hai cụm từ đầu, không để trong ngoặc kép cụm từ tất cả vì miền Nam ruột thịt là thiếu sót, thể hiện sự lộn xộn, không thống nhất.

Về diễn đạt, ông Hưng chỉ ra: trong văn bia số 1 có đoạn: “Non sông chưa về một mối, những người con nơi “đầu sóng ngọn gió” Thái Bình lại tiếp nối lên đường. Nước bạn Lào-Miên, Quảng Trị, Tây Nguyên, Sài Gòn, Nam Bộ..., lòng yêu nước sóng cồn xốc tới...”.

Theo ông Hưng, đoạn trên, văn bia liệt kê một số địa danh. Theo thứ tự từ cao đến thấp thì “Lào-Miên” là tên gọi chỉ quốc gia, “Tây Nguyên”, “Nam Bộ” là tên gọi chỉ vùng, miền, còn “Quảng Trị”, “Sài Gòn” là tên gọi chỉ các địa phương nằm trong vùng miền. Thứ tự liệt kê của văn bia không theo trình tự trên, thể hiện sự lộn xộn...

Cuối bài số 2, văn bia viết: “Ôi! Người đời sau kính cẩn dâng hương, ghi khắc đại ân, đại nghĩa...”.

Về nội dung này, ông Hưng chia sẻ: “Trong Đền có cả đồng đội của tôi đang được thờ ở trong đó. Tôi cũng như nhiều người đời nay, trong đó có cả các bậc cha mẹ của các liệt sỹ vẫn thường vào kính cẩn dâng hương. Viết “người đời sau” là không bao quát hết, bỏ qua việc tri ân, tưởng nhớ của những người cùng thời với các liệt sỹ”.

Cuối cùng, ông Hưng nhìn nhận: “Văn bia được tạc nhằm lưu truyền lâu dài cho mai sau, cần sự chính xác về thông tin, kiến thức, chuẩn mực, chặt chẽ trong diễn đạt. Mọi sự sai sót dù nhỏ cũng cần phải được sửa chữa, khắc phục”.

Liên quan đến ý kiến của ông Hưng, thông tin với PV, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết hai cơ quan trên có nhận được phản ánh, kiến nghị của ông, đồng thời cho biết các cơ quan sẽ liên hệ với người soạn thảo, sau đó sẽ có trả lời chính thức với ông Hưng.

Bài ảnh: Trần Duy Hưng