Tạo vốn cho doanh nghiệp
Số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập tăng, nhưng quy mô DN nhỏ; nguyện vọng của DN không chỉ đơn thuần là vốn, mà còn là cơ chế tiếp cận vốn, chính sách.
Dữ liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ riêng trong quý 1 của năm tài chính 2018, cả nước có 26.785 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số DN và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Số vốn đăng ký bình quân của một DN thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên cũng cần nhìn lại, khi mà DN thành lập mới tăng nhưng chất DN chưa được cải thiện nhiều.
Quy mô vốn nhỏ khiến cho DN dễ bị bật bãi trên chặng đường hội nhập. Theo một chuyên gia kinh tế, các DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng đều dễ bị tổn thương trong hội nhập.
Khó khăn được nhiều lần nhắc đến đó là việc tiếp cận tín dụng nếu không nói là vô cùng khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa.
Cùng với đó, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Song khả năng tiếp cận tín dụng của DN nhỏ và vừa qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế, tỷ lệ dư nợ cho DN nhỏ và vừa chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017.
DN nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngày càng nhiều DN nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản…
Một khảo sát cũng từng chỉ ra hiện chỉ có khoảng hơn 30% DN nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% DN nhỏ và vừa còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.
Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các DN nhỏ và vừa, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và DN nhỏ và vừa.
Trước hết, có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng...
Qua đó, giúp các ngân hàng và DN nhỏ và vừa chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DN nhỏ và vừa tốt hơn.