MC/ Nhà thơ Yên Khương: Tin đồn có thể làm người ta mất mạng
“Mạng xã hội phát triển đến mức việc tung tin trở nên quá dễ dàng, và thậm chí, nhìn nhận dưới góc độ của một người có gần chục năm làm báo, tôi thấy, báo chí giờ đây cũng trở thành một công cụ của việc phao tin. Mỗi ngày lên mạng xã hội, đọc báo, chính mình còn không phân định được thật giả…”.
MC/ Nhà thơ Yên Khương bày tỏ quan điểm về việc các loại tin đồn đang bùng phát và khó dập tắt trên mạng xã hội thời gian qua:
1. “Dẫn chương trình truyền hình là một phần công việc, làm thơ là một phần yêu thích và chia sẻ những điều mình yêu thích hay cảm xúc của mình trên mạng xã hội cũng là một phần trong cuộc sống của tôi. Mỗi thứ ấy chỉ là một phần nho nhỏ, cuộc sống thực mà tôi đang sống phong phú, tất bật và trúc trắc hơn rất nhiều. Chính vì thế, nếu vì một góc nho nhỏ nào đó trong cuộc sống muôn hình vạn trạng của mình mà nảy sinh những tin đồn thất thiệt, quả thực tôi chẳng hề e ngại. Nói vui chứ, ai đó đồn đại về mình dù là thất thiệt chứng tỏ mình còn được quan tâm. Và khi nó chưa ảnh hưởng trực tiếp, cụ thể đến công việc, gia đình mình, thì cứ kệ thôi.
Nếu có tin đồn gì đó về tôi, Người thực sự quan tâm họ có thể hỏi tôi, người lấy tin đó như chuyện làm quà hẳn sẽ không vì tôi mà hỏi han thẳng thắn. Thế thì tôi bận tâm làm gì!
Tôi không mấy bận tâm đến những tin đồn thất thiệt sau lưng. Ở giai đoạn trước đây, khi tôi chưa vướng bận nhiều về gia đình, con cái, có thể tôi sẽ suy nghĩ rất nhiều nếu nghe được ai đó đang nói những điều không đúng về mình. Tôi cũng sợ nó sẽ lan đi tới rất nhiều người, cả anh em, bạn bè, đối tác... và tôi, hay bất kỳ ai cũng vậy, chẳng thể đi giải thích cho từng người một, lại càng không thể nói cho những người chỉ thích nghe ngóng, bới móc chuyện của người khác, và cho cả những người thậm chí chẳng biết tôi là ai... Nhưng ở thời điểm hiện tại, một bà mẹ hai con với cả núi công việc, đến chuyện viết lách, thơ ca là thứ tôi đau đáu, đến bao nhiêu dự định cá nhân tôi phải xếp lại, thì hỡi ôi, tôi làm sao có thời gian mà bận tâm đến những tin đồn”.
2. “Nhìn nhận về các tin đồn trên mạng diễn ra ngày càng sâu rộng trong thời gian qua, tôi nghĩ, thì rất buồn. Bởi tin đồn có dăm bảy loại. Có thứ tin chỉ để cho vui, lại có tin đồn được tung hê để mang lại danh tiếng, có thứ tin đồn lại để hạ bệ người khác. Mạng xã hội phát triển đến mức việc tung tin trở nên quá dễ dàng, và thậm chí, nhìn nhận dưới góc độ của một người có gần chục năm làm báo, tôi thấy, báo chí giờ đây cũng trở thành một công cụ của việc phao tin. Mỗi ngày lên mạng xã hội, đọc báo, chính mình còn không phân định được thật giả, loạn hết cả lên. Gần đây nhất, có mỗi chuyện gõ BFF để kiểm tra bảo mật tài khoản Facebook mà rầm rộ cả, bạn bè Facebook của tôi cũng không ít người làm theo và rồi ôm lo lắng về việc tài khoản của mình bị đánh cắp. Đấy chỉ là một ví dụ rất nhỏ, còn bao nhiêu tin đồn thậm chí khiến con người ta mất mạng!
Vốn dĩ, tin truyền miệng đi đã nhanh, nay tin còn được truyền bằng đủ loại thiết bị số thông minh và mạng xã hội. Theo thống kê, năm 2017, số người sử dụng truyền thông xã hội trên khắp thế giới đạt tới mốc 3 tỷ người. Riêng Facebook, số người sử dụng ước tính bằng 1/4 dân số thế giới, và tại Việt Nam, số người sử dụng mạng xã hội này đứng thứ 10 thế giới. Người sử dụng mạng xã hội là bất cứ ai, chỉ cần họ có các thiết bị kết nối internet. Một thông tin bất kỳ được tung lên, chỉ cần đánh trúng vào hiếu kỳ của đám đông, ngay tức khắc sẽ được lan truyền một cách chóng mặt. Những tin đồn dạng “tin mật”, tin đời sống riêng tư những người nổi tiếng, hay “máu mặt”... thường được quan tâm. Hay những thông tin chạm tới ái ố hỉ nộ của cảm xúc cá nhân cũng dễ được chia sẻ. Người chia sẻ có thể vì thích, hay vì ghét, nhưng chung quy vì ai cũng muốn bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, hay chứng tỏ mình là kẻ thạo tin... Cứ thế, những tin đồn được lan truyền, càng sốc càng nhanh, nhanh hơn bất kỳ sự kiểm soát nào!
Tin đồn được tung ra để người ta tin. Ví như, khi xã hội rộ lên chuyện trẻ em bị bắt cóc, thì tung lên tin một đứa trẻ mất tích, người ta dễ dàng tin đứa trẻ ấy đã bị bắt cóc. Và như đã nói, bởi tin đồn được lan đi nhanh hơn bất cứ sự kiểm chứng nào nên nhiều người cứ mặc nhiên, thông tin được nhiều người chia sẻ là thông tin đúng. Và thậm chí, báo chí và cả các nhà báo, đôi khi cũng “mắc bẫy” tin giả và trở thành một nguồn đáng tin cậy để lan truyền những tin tức chưa được kiểm chứng ấy”.
3. “Với việc lan truyền tin đồn quá nhanh chóng như hiện nay, người phao tin cũng dễ dàng và nhanh chóng đạt được mục đích của mình. Thực tế, nhiều vụ việc được “xử lý” trong thế “sự đã rồi”. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ và sự phức tạp của cuộc sống, việc tung những tin đồn, những thông tin sai thậm chí sẽ ngày càng tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn nữa.
Theo tôi, cần có những cách quyết liệt hơn trong việc xử lý những trường hợp tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả của các cơ quan chức năng. Và trong “cuộc chiến” với những tin đồn báo chí cũng có vai trò vô cùng quan trọng, ở đó, báo chí có lẽ thay vì chạy theo thông tin cần thể hiện rõ trách nhiệm trong việc đưa ra những bài báo phản ánh đúng sự thật, kết nối độc giả một cách hiệu quả.
Riêng cá nhân tôi, tôi khá thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, tôi nghĩ rằng, việc chậm lại một nhịp trong suy nghĩ hay những cú click chuột thể hiện cảm xúc và chia sẻ thông tin có thể giúp mình nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn. Sau đó, có thể tìm kiếm thêm những nguồn thông tin đáng tin cậy để kiểm chứng. Hơi mất công một chút, nhưng như thế còn hơn là “tiếp tay” cho cái chưa đúng, thậm chí là cái sai thậm tệ.”