Cần Thơ: Gần 82% lao động có việc làm sau học nghề
Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” (gọi tắt là Đề án ĐTN) hướng đến mục tiêu tuyên truyền, vận động thu hút lao động nông thôn có nhu cầu, trong đó chú trọng hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề, có việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi, có thêm thu nhập, thoát nghèo…
Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn.
Theo ông Đào Minh Lợi, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH thành phố, năm vừa qua, các quận, huyện tập trung công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; cung ứng lao động cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh như: May mặc, giày da, xây dựng, nấu ăn, pha chế…
Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hình thức gia công, bao tiêu sản phẩm đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp (đan dây nhựa, đan lục bình, đan đát…)
Năm qua, kinh phí cho công tác đào tạo nghề trên 12,6 tỉ đồng, có 4.125 người được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Cuối năm 2017, qua khảo sát tỷ lệ đào tạo nghề và giải quyết việc làm các quận, huyện, cho thấy tỷ lệ giải quyết việc làm sau học nghề đạt gần 82%, thông qua các hình thức tự tạo việc làm tại chỗ, gia công; được bao tiêu sản phẩm và tìm kiếm việc làm mới tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP Cần Thơ đã linh hoạt tổ chức đào tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động và tuyển dụng của doanh nghiệp như: Đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng; mở thêm ngành nghề mới theo nhu cầu thị trường lao động; tổ chức hình thức vừa làm vừa học tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề truyền thống; dạy nghề thường xuyên để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho người lao động; dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn...
Để đảm bảo công tác đào tạo nghề ngày càng chất lượng, thời gian qua Sở LĐTB&XH chú ý mạnh tới công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên ở các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố về phương pháp dạy học tích hợp, bồi dưỡng kiến thức sư phạm dạy nghề cho các đối tượng giáo viên, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Các cơ sở GDNN linh hoạt phối hợp xây dựng chương trình dạy nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng theo yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; trang bị kỹ năng nghề, kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng để sau khi học nghề, người lao động có thể vận dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), cho biết: “Sau khi kết thúc lớp nghề đan đát ngắn hạn, học viên khéo tay được học thêm khóa nghề nâng cao để đan các mặt hàng tặng phẩm, vật trang trí bằng tre, bày bán tại các hội chợ, triển lãm, khu du lịch…”.
Để đạt được số lượng giải quyết việc làm sau đào tạo khá cao, quá trình triển khai kế hoạch Đề án ĐTN, được thành phố chú trọng trong công tác chỉ đạo các quận, huyện, chỉ đạo các xã phường thị trấn, phối hợp với ngành LĐTB&XH tổ chức điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 12/2015/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ về hỗ trợ ĐTN cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội.
Tổ chức truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đoàn thể để nâng cao nhận thức người lao động về trang bị nghề, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự đồng thuận và phấn khởi để người lao động đăng ký tham gia học nghề.