Mịt mờ trách nhiệm
Thời gian qua nhiều việc thiếu an toàn liên quan nơi ăn chốn ở của người dân đã làm nóng dư luận. Vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM khiến không ít người lo ngại rằng, nhà không phải là nơi an toàn với mỗi gia đình thì những vấn nạn xưa như Trái đất như mất vệ sinh an toàn thực phẩm ăn mòn sức khỏe, tính mạng của con người cũng được cảnh báo. Điều đáng nói là những mầm bệnh này đôi khi lại đến từ chính những cán bộ thực thi công vụ.
Trong cuộc họp toàn quốc về phòng chống thiên tai diễn ra cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn ra hai ví dụ rất sinh động về sự tắc trách của cán bộ trong thực thi công vụ. Về nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra, Thủ tướng chỉ ra đó là lỗi của chính những “công bộc” của dân.
“Cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, hưởng lương từ ngân sách mà không hiểu anh làm cái gì mà không phát hiện được tổ mối to như cái trống ở thân đê”, vậy thì rà soát gì, kiểm tra gì”.
Hay câu chuyện thiên tai đổ sập không tránh được thương vong, nhưng giá như công tác tuyên truyền đúng độ thì chắc chắn sẽ hạn chế được bớt thiệt hại.
Thủ tướng nói: Làm cán bộ phải tuyên truyền làm sao cho dân hiểu, tài sản cũng quý nhưng sinh mệnh của mình còn quan trọng hơn nhiều bởi còn người còn của. Nếu tuyên truyền tốt sẽ không có cảnh người dân khi chạy lũ tiếc có con lợn nên mang cả lên thuyền, thuyền chòng chành, rồi lật khiến người chết.
Đúc kết lại trách nhiệm công vụ với “công bộc” của dân, Thủ tướng chốt lại: “Cán bộ phải giỏi, trách nhiệm với công việc phải cao và luôn phải gắn với quyền lợi của người dân, hướng tới người dân”…bởi, không phải ai khác, chính những đồng thuế đóng góp của dân là nguồn trả lương, nuôi sống cán bộ.
Nhưng có vẻ câu chuyện trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ vẫn là chuyện hồi kết khi nhìn vào những bức xúc xung quanh chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay ngày đầu tiên của tháng 4, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tình Quảng Bình kiểm điểm rút kinh nghiệm về công tác quản lý cán bộ và thực hiện kiểm soát giết mổ đối với 4 cá nhân: Đặng Gia Nhì, Phó trưởng phụ trách Trạm chăn nuôi thú y (CNTY) Đồng Hới, Nguyễn Minh Toàn, Trưởng trạm CNTY Bố Trạch, Phan Xuân Phong, nhân viên kiểm soát giết mổ Trạm CNTY Đồng Hới, Phạm Thị Hiên nhân viên kiểm soát giết mổ Trạm CNTY Bố Trạch bởi sự tắc trách của những cán bộ này trong kiểm dịch lợn giết mổ trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các cán bộ này bị kiểm điểm là bởi, theo quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, cán bộ thú y phải thực hiện chặt chẽ nhiều bước để kiểm soát, như: kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ; kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ, kiểm tra lâm sàng động vật trước giết mổ …
Thế nhưng thực tế thì hằng ngày, các cán bộ thú y này vẫn tới lò mổ nhưng hầu như chỉ để ngồi chơi. Việc rất đơn giản là đóng dấu, nhưng những chiếc dấu được đóng chưa chắc đã phải cho lợn sạch, lợn khỏe, mà không ít những trường hợp nhân viên thú y còn tiếp tay “biến” lợn chết, lợn có dấu hiệu bệnh thành lợn ngon để đưa ra thị trường!
Điều đáng nói là vụ việc này không chỉ xuất hiện ở Quảng Bình mà nó còn xuất hiện ở nhiều địa phương bởi những người làm công tác gác cổng an toàn thực phẩm vẫn lơ là trách nhiệm thậm chí là vì những mối lợi nhỏ của mình, họ sẵn sàng bán đứng, đánh đổi bằng sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng.
Trong khi những người gác cửa về an toàn thực phẩm đáng bị lên án như vậy thì lĩnh vực PCCC cũng lùm xùm không kém. Tiêu điểm nằm ở vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina cướp đi sinh mạng của 13 con người. Tất nhiên đây không phải vụ cháy đầu tiên gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, thế nhưng “sợi dây kinh nghiệm” vẫn đang được tiếp tục rút và đau đớn thay, có khi lại phải trả giá bằng chính sinh mạng con người.
Khi sự cố cháy xảy ra người ta mới truy trách nhiệm thì mới tá hỏa rằng hầu hết các chung cư rất lơ là việc PCCC dù pháp luật đã quy định rất nhiều điều kiện ngặt nghèo để bảo đảm an toàn PCCC cho các nhà cao tầng, thế nhưng thực tế, các quy định này lại không được áp dụng. Thậm chí bằng cách nào đó, người ta hợp thức hóa hoặc lờ nó đi vì những mục đích riêng, để khi hậu quả xảy ra rồi mới giật mình nhìn lại thì đã quá muộn.
Lại là câu chuyện trách nhiệm, tất nhiên, chủ đầu tư vì mục đích, lợi ích riêng người ta sẵn sàng bỏ qua các khâu PCCC đã đành, nhưng đến cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng tắc trách, làm không nghiêm thì là điều khó chấp nhận. Giá mà có sự giám sát kịp thời chứ không phải định kì cán bộ cơ sở vẫn đến thăm viếng mà chẳng hề kiểm tra thực sự, chắc chắn sẽ không có những cái chết oan uổng xảy ra.
An toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm là hai trong nhiều vấn đề của cuộc sống rất cần những cán bộ có trách nhiệm thực sự với việc dân. Tóm lại, đã là “công bộc” của dân thì trách nhiệm chăm lo cho dân phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng muốn cán bộ thực thi công vụ cho tốt thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực thật nghiêm minh, phải có những chiếc phanh hãm, có cơ chế “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”.
Chuyện tắc trách của cán bộ làm công tác kiểm dịch, hay cán bộ cơ sở chốt chặn PCCC tại các khu nhà cao tầng tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Bất kể khâu nào, từ Trung ương địa phương, cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, phải lấy dân làm trọng, trách nhiệm công vụ phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với những cán bộ cố ý làm trái, chắc chắn phải xử thật nặng mới đủ sức răn đe.