Kịch khung thuế môi trường với xăng và hàng nhiên liệu

Hồ Hương 03/04/2018 08:30

Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính cho biết, đa số các bộ ngành, địa phương nhất trí với dự thảo, trong đó bao gồm việc tăng kịch trần mức thuế này với với xăng và một số mặt hàng nhiên liệu khác.

Kịch khung thuế môi trường với xăng và hàng nhiên liệu

Thuế bảo vệ môi trường với xăng và một số mặt hàng nhiên liệu đang được Bộ Tài chính
đề xuất ở mức kịch khung.

Cụ thể đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã nhận được 60 ý kiến tham gia trong đó có 14 ý kiến của bộ, ngành; 42 ý kiến từ địa hương và còn lại từ các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, tổ chức khác. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết, trong đó 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn.

Trước đó, theo Dự thảo công bố hồi tháng 2, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Một số loại dầu khác cũng được đề nghị nâng thuế lên kịch khung như: Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut và dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên kịch trần là 2.000 đồng/lít.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, có 1 ý kiến đề nghị quy định mức thuế với xăng, dầu diesel tiêu chuẩn mức 4-EURO 4 trở lên thấp hơn mức thuế đối với nhiên liệu dưới mức 4 tối thiểu 1.000 đồng/lít nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy chuẩn, các loại xăng, dầu được quy định chỉ tiêu chất lượng ở các mức 2, 3 và 4, trong đó chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh ở mức 2 là cao nhất (500 mg/kg) và ở mức 4 là thấp nhất (50 mg/kg), các chỉ tiêu khác ở các mức cơ bản là như nhau.

Về vấn đề công khai thu và chi thuế BVMT, phía Bộ Tài chính cho biết, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế BVMT đều tập trung vào Ngân sách Nhà nước và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội. Cũng theo Bộ Tài chính, nếu thuế BVMT được điều chỉnh theo dự thảo và có hiệu lực từ 1/7 thì chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 sẽ tăng khoảng 0,27-0,29% so với tháng 6/2018 và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.

Theo TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính (từ ngày 1/7/2018) đối với các mặt hàng xăng dầu cần phải tăng lên kịch khung nhằm hoàn thiện chính sách tài chính, hướng tới phát triển bền vững và cơ cấu lại nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam còn ở mức thấp, đứng thứ 44/180 nước từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo TS Lợi, chính sách thuế bảo vệ môi trường cần phải sửa đổi phù hợp thông lệ quốc tế; thực hiện mục tiêu cải cách chính sách thuế bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ.

Hồ Hương