Cuộc chiến taxi tới hồi gay gắt
Trái với dự kiến ban đầu khi Grab sát nhập với Uber, thị trường taxi công nghệ ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang hết sức sôi động, với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đơn vị cùng cung cấp một dịch vụ.
Mới nhất là việc công ty Phương Trang (gồm taxi, xe khách…) đã quyết định bỏ ra hơn hai ngàn tỷ đồng mua lại và đầu tư công nghệ vào ứng dụng gọi xe Vivu.
Đây là một ứng dụng có nhiều ưu điểm, được giới trẻ thành phố ưa thích lại có thể mặc cả giá cước hành trình trước khi lên xe. Trước đó, các ứng dụng gọi xe công nghệ của Mai Linh hay Vinashun cũng được nhiều người tiêu dùng biết tới và sử dụng nhờ một số tính năng riêng.
Điều dễ nhận thấy là khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn và các dịch vụ gọi xe này sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn. Những quan điểm rằng Grab “một mình một chợ” hay “độc chiếm thị trường, tăng hay giảm giá tùy hứng”… là hoàn toàn không thể xảy ra.
Giải thích cho quan điểm này, một chuyên gia về giao thông cho rằng, nỗi lo hãng taxi Grab độc quyền thị trường sau khi sát nhập là hoàn toàn không có cơ sở. Nguyên nhân chủ yếu, ngoài sự cạnh tranh đến từ các hãng taxi truyền thống và các dịch vụ taxi công nghệ mới hình thành thì quan trọng nhất chính là người tiêu dùng.
Theo đó, hành khách có quyền ưu tiên chọn lựa hoặc không khi sử dụng các dịch vụ của đơn vị này. Riêng đối với tài xế, họ cũng có quyền chủ động khi có thể cung cấp dịch vụ hoặc tắt ứng dụng. Nói nôm na, cơ chế hoạt động của dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab là sự chủ động của cả hành khách, tài xế nên rất khó có sự độc quyền hay đơn phương tăng/giảm giá cước mà không nhận được sự đồng thuận của hành khách và tài xế.
Bởi nếu hành khách và tài xế không đồng thuận, các quyết định đơn phương trên hoàn toàn mất tác dụng. Đó là ưu điểm của các dịch vụ taxi công nghệ mà taxi truyền thống trước đây không có.
Do xu hướng thị trường và người tiêu dùng, dịch vụ gọi xe taxi bằng ứng dụng công nghệ chắc chắn sẽ dần thay thế các dịch vụ taxi truyền thống nên sau khi Grab sát nhập với Uber, khoảng trống thị trường sẽ mở ra. Rất nhiều người sẽ có nhu cầu tìm kiếm một dịch vụ gọi xe khác khi không sử dụng dịch vụ của Grab trước đây.
Đó là lý do mà một số ứng dụng gọi xe khác sẽ được ra đời trong thời gian tới. Vì vậy, vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì lo lắng sẽ diễn ra tình trạng độc quyền giá cước của taxi công nghệ thì nên tập trung tạo hành lang quản lý an toàn để giúp hành khách, tài xế cũng như doanh nghiệp có một cơ chế ổn định hơn.
Điều này không chỉ riêng với các dịch vụ gọi xe công nghệ mà còn là mục tiêu hướng tới của nhiều ngành nghề khác trong thời đại công nghiệp 4.0 mà toàn xã hội đang hướng tới.