Vì sao Nhật Bản đưa Đạo đức thành ‘môn thường xuyên’?
Theo NHK, môn Đạo đức, vốn được dạy 1 lần mỗi tuần, đã được nâng lên thành "môn thường xuyên", trở thành một phần quan trọng của chương trình học bắt đầu từ năm nay ở bậc tiểu học tại Nhật Bản.
Ảnh minh họa (Nguồn: Factrange).
Trước đây, trong chương trình học ở bậc tiểu học vẫn có môn Đạo đức, nhưng các hoạt động và môn học khác thường được ưu tiên hơn. Chia sẻ về lý do dẫn tới việc chú trọng môn Đạo đức hơn từ năm nay, Giáo sư Oshitani Yoshio của khoa Sau đại học, trường Đại học Nữ Mukogawa, người từng là thanh tra đặc biệt môn Đạo đức thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản cho rằng, quyết định đưa môn đạo đức trở thành môn quan trọng trong chương trình học là để dạy các em cách sống trong một xã hội luôn thay đổi.
Theo Giáo sư Oshitani Yoshio, việc tổ chức các giờ học đạo đức sao cho tốt là vấn đề nổi lên mỗi lần xã hội đối mặt với vụ việc nghiêm trọng. Ngoài ra, số trường hợp bị bắt nạt tăng cũng là một vấn đề.
Thông thường, một môn học cần thỏa mãn một số điều kiện nhất định để được coi là "môn thường xuyên", như có sách giáo khoa, có chấm điểm và có giáo viên chuyên ngành giảng dạy. Với việc đưa môn Đạo đức thành "môn thường xuyên", sách giáo khoa đặc biệt sẽ được đưa vào sử dụng. Học sinh sẽ được đánh giá dựa trên hạnh kiểm đạo đức. Giáo viên có thể không chuyên dạy môn Đạo đức nhưng sẽ được cung cấp chuyên môn cần thiết.
Môn đạo đức ở Nhật Bản là môn học nuôi dưỡng tổng hợp nhiều yếu tố, như lòng yêu nước, lòng tốt, coi trọng sinh mạng và tinh thần quyết tâm phấn đấu.