Tìm đường bơi cho con cá tra
Trước hàng loạt những khó khăn mà cá tra xuất khẩu đang phải đối diện ở thị trường quốc tế, cụ thể ở đây là thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEEP) đã có những động thái nhằm gỡ khó cho ngành cá tra nước nhà.
Xuất khẩu cá tra vẫn gặp khó ở thị trường Mỹ.
Sẽ nộp đơn kiến nghị DOC
Cụ thể, VASEP cho biết, sau tuyên bố khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) liên quan đến việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá vô lý đối với cá tra Việt Nam trong kỳ xem xét hành chính cuối cùng lần thứ 13 (POR 13), cơ quan này mới đây đã khẳng định, trong tuần này sẽ chính thức nộp đơn khởi kiện DOC.
Trước đó, ngày 19/3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo quyết định này, sẽ có 9 doanh nghiệp (DN) Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức 3,87 USD/kg. Mức thuế này đã cao hơn 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9-2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó. Không những vậy, phía Mỹ còn áp mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng đối với hai DN là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods với mức tới 7,74 USD/kg.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay, chưa từng xảy ra trong lịch sử áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với Việt Nam. Mức thuế 7,74 USD/kg cao hơn 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Theo VASEP, thực tế chứng minh rằng các DN Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ, mà trái lại đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ.
VASEP đưa ra quan điểm, cá tra của Việt Nam là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Bởi vậy, việc phía DOC khởi kiện đối với cá tra Việt Nam là hết sức phi lý. VASEP cho biết, theo quy định của Mỹ, Việt Nam có 30 ngày chuẩn bị hồ sơ để nộp đơn khởi kiện, tính từ lúc mức thuế chống bán phá giá cuối cùng được công bố. VASEP khẳng định, hiện luật sư đang làm và chắc chắn sẽ nộp đơn kiện DOC trong tuần này.
Kiểm soát chất lượng cá tra sang Trung Quốc
Trong một diễn biến khác, cũng liên quan đến con cá tra xuất khẩu, ngày 20-3-2018, VASEP đã gửi công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng sản phẩm cá tra trước khi xuất hàng đi Trung Quốc bằng phương thức xuất khẩu đường bộ trong thời gian 3 tháng cho đến khi nguyên liệu dồi dào trở lại. Theo thống kê của ngành này cho hay, xuất khẩu cá tra tháng 1-2018 sang thị trường Trung Quốc đạt 41 triệu USD tăng 132% so với cùng kỳ năm 2017 trong đó xuất khẩu bằng đường biển chiếm 56 % và đường bộ chiếm 44 %.
VASEP cho biết, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch giữa 2 nước có chung đường biên giới là điều tất yếu nhưng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu lại xuất hiện một số vấn đề đáng lo ngại. Giá xuất khẩu giữa sản phẩm chính ngạch chênh lệch hơn 1USD so với sản phẩm tiểu ngạch. Đang có sự tham gia của các cá nhân trong hoạt động xuất khẩu bằng đường bộ khác hoàn toàn với hoạt động xuất khẩu chính ngạch xuất phát từ các công ty có đăng ký kinh doanh rõ ràng. Theo số liệu thì có 9 cá nhân đại diện xuất hàng qua biên giới nhưng đã chiếm đến 47% khối lượng đồng thời kim ngạch chỉ đạt 23% so với 73% từ các nhà máy chế biến.
Để việc xuất khẩu cá tra ổn định và đạt kim ngạch xuất khẩu như mục tiêu dự kiến (trên 1,8 tỷ USD năm 2018) đồng thời tạo thế cho sự phát triển những năm tiếp theo, tránh những hậu quả như phụ thuộc thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc bằng phương thức xuất khẩu đường bộ trong thời gian 3 tháng cho đến khi nguyên liệu dồi dào trở lại.
VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này.